Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

THỨ TƯ LỄ TRO: LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA THẦN HỌC PHỤNG VỤ

 

         Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro.
 

        Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu "bụi tro" được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.

1. Lịch sử Thứ Tư Lễ Tro


    Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: "Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay" (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.

        Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là "Ðầu Mùa Chay" (Caput ieiunii), hay "Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày" (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).
 
        Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình . . . Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đuổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu (tituli) của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Thánh Phaolô ngoại thành, Thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.
 
    Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo Hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.
 
    Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài "Chúng ta hãy thay đổi đời sống, xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵn sàng tha thứ mọi tội khiên" (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành Thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ Thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội.
 
    Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời: "Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi" (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước Thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng Thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc Âm: "Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng" (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu "tro" đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: "Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời" (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).
 

2. Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro
 
    Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).
 
    Trong truyền thống các đan sĩ và tu viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhậm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: "Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi". Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhậm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.
 
    Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải "quay trở lại" một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ "canh tân" trong ngôn ngữ Do Thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng, nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thứ Tư Lễ Tro.
 
    Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như màu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.
 
    Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.
 
    Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ hạnh cá nhân, nhưng là để hướng về ơn cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện và Giáo hội đang chuẩn bị mừng trong đại lễ Phục sinh. Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv. không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro.
 
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
Nguồn: conggiao.info

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

 

LINH MỤC TRIỀU VÀ DÒNG CÓ GÌ KHÁC.
 

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

    Bài này được viết cho giới trẻ. Lý do là nhiều bạn trẻ thường hỏi về sự khác nhau giữa linh mục triều và linh mục dòng. Đây là câu hỏi thú vị để cho thấy sự phong phú về ơn gọi trong Giáo hội Công giáo.

    Trước khi bóc tách vấn đề, chúng ta thấy linh mục là một trong những ơn gọi trong lòng Giáo hội. Khi rửa tội, chúng ta không chỉ trở nên con Chúa, nhưng còn “thừa hưởng” ba ân huệ của Thiên Chúa: tư tế, vương đế và ngôn sứ. Tuy nhiên, những ai được chọn gọi làm linh mục, ân huệ tư tế trở nên nổi bật hơn hẳn. Bởi linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa cộng đoàn và được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô – vị thượng Tế vĩnh cửu – nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, để phục vụ dân Chúa. (x. GLHTCG 1564).

  1. Giống nhau ở căn tính

    Dù là linh mục (priest) triều hay linh mục dòng, cả hai đều là linh mục! Nghĩa là nhờ ấn tín của Bí Tích Truyền Chức Thánh, linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tư Tế, hành động trong cương vị của Đức Kitô là Đầu (in persona Christi capitis), tham dự vào quyền xây dựng, thánh hóa và cai quản Hội Thánh của Đức Kitô (GLHTCG 1563). Do đó, dù là linh mục dòng hoặc triều, các ngài đều thực sự giống nhau về căn tính. Nhiều người cũng gọi các linh mục là giáo sĩ (cleric). Nhưng giáo sĩ bao gồm những người có chức thánh, trong đó có: phó tế, linh mục và giám mục. Cũng có giáo sĩ triều (saecularis), và giáo sĩ dòng (regularis). Dĩ nhiên dù là giáo sĩ triều hay dòng, họ phải tỏ lòng kính trọng và vâng phục Đức Giáo Hoàng và đấng bản quyền của mình. (x. GLHTCG 273).

    Để trở thành một linh mục, cả hai đều phải trải qua giai đoạn huấn luyện lâu dài với rất nhiều tâm huyết. Họ được Thiên Chúa mời gọi để bước vào hàng ngũ tư tế. Vì sự thánh thiêng và quan trọng này, Giáo luật cũng ghi rõ: “Để trao ban chức linh mục hay chức phó tế cách hợp thức, sau khi đã trải qua thời gian thử thách chiếu theo quy tắc của luật, ứng viên buộc phải hội đủ những đức tính thích hợp, theo sự nhận định của Giám Mục riêng hoặc của Bề Trên cấp cao có thẩm quyền, không bị một điều bất hợp luật hay một ngăn trở nào ràng buộc.” (Điều 1025, §1.) Trước mặt Giáo hội, các linh mục phải là người xứng đáng cả về phẩm hạnh lẫn tài năng. Các ngài được huấn luyện để hướng dẫn đoàn chiên. Dù là linh mục dòng hay triều, sứ mạng các ngài dĩ nhiên là đưa đoàn chiên đến gần Thiên Chúa.

    Bạn cũng thấy dù linh mục dòng hay triều, cả hai đều phải được Đức Giám mục phong chức. Nghi thức buổi phong chức này giống nhau đến 99 %. Bên cạnh lời hứa vâng phục Đức Giám Mục Giáo Phận giống như linh mục triều, linh mục dòng có thêm lời hứa vâng phục bề trên hợp pháp của dòng mình. Những nghi thức còn lại hoàn toàn giống nhau. Như vậy, trong ngày chịu chức, cả linh mục triều và dòng đều trở thành người rao giảng, và họ phải tin điều họ đọc, dạy điều họ tin và thi hành điều họ dạy.[1]

    Ngoài ra, nếu bạn biết một linh mục triều đang coi xứ nào đó, bạn cũng thấy căn tính của linh mục dòng như thế. Cả hai đều đang dấn thân để phục vụ tha nhân. Nhiệm vụ chính của các linh mục là cử hành các bí tích. Họ cũng đọc kinh thần vụ giống nhau, và cầu nguyện thay cho dân Chúa. Do liên hệ chức thánh và phẩm trật, các linh mục hiệp thông với giám mục như là những cộng tác viên và phụ tác của Giám mục trong giáo phận để phục vụ dân Chúa trong nhiều công tác khác nhau. (x. Lumen Gentium 28).

    Để kết thúc phần giống nhau, xin được trích lời chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc: “Là linh mục, dù là linh mục dòng hay linh mục triều, đều là ngôn sứ của Thiên Chúa, là sứ giả của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đi để loan báo Tin Mừng; nói điều mà Thiên Chúa muốn nói cho chư dân. Lời Chúa được chính Chúa đặt vào trong tâm trí, vào môi miệng để người linh mục có nói và làm để sống với dân Chúa. Linh mục phải thi hành Thánh Ý Chúa trước, làm gương sáng cho giáo dân noi theo; chăm sóc giáo dân hết sức chu đáo. Linh mục là một cương vị rất cao cả nhưng cũng đầy dẫy những khó khăn. Chính vì thế, phải có sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, sức mạnh từ Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho khi Người đã vượt qua thế gian mà về cùng Chúa Cha”[2].

  1. Khác nhau ở lời khấn

    Giáo luật điều 1036 ghi nhận sự khác nhau giữa linh mục triều và dòng như sau: “Để có thể chịu chức phó tế hay chức linh mục, ứng viên phải đệ trình cho Giám Mục riêng hoặc cho Bề Trên cấp cao có thẩm quyền một bản tuyên bố do chính tay mình viết và ký tên, trong đó đương sự xác nhận rằng mình tự nguyện và tự do lãnh nhận chức thánh và sẽ vĩnh viễn dấn thân cho thừa tác vụ của Giáo hội, đồng thời xin được chấp nhận để chịu chức.” Trong luật này, linh mục triều chịu sự chi phối của đức giám mục bản quyền. Giám mục có toàn quyền trên các linh mục triều của mình. Ngược lại, linh mục dòng lại thuộc về một dòng tu của mình. Nơi đó, các linh mục thường dưới sự chi phối của bề trên thượng cấp. Trong cộng đoàn dòng tu, “bề trên thượng cấp là người lãnh đạo toàn thể tu hội, hoặc một tỉnh dòng, hoặc một phần tương đương với tỉnh dòng, hoặc một nhà tự trị, cũng như những người đại diện của các vị ấy.” (Giáo luật 620).

    Phải nói ngay rằng chỉ có linh mục dòng mới khấn ba lời khấn dòng (Vows): khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Vì lời khấn này mà chúng ta gọi các linh mục dòng là tu sĩ. “Quả vậy, nhờ lời khấn, họ hiến toàn tâm cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, họ được hiến dâng một cách tận tình hơn để phụng sự Thiên Chúa, sự tận hiến đó càng hoàn hảo hơn nhờ những mối dây bền chặt hơn, càng biểu dương Đức Kitô hiệp nhất với Hội thánh, Hiền Thê của Người, do một mối dây bất khả phân ly.” (Evangelica Testificatio số 7). Ngoài ra, lời khấn là một lời hứa, đã suy xét và tự do đoan thệ với Chúa, tự buộc mình theo nhân đức thờ phượng, vào một việc lành có thể làm và hoàn hảo hơn do hiệu lực đức thờ phượng. Nội dung của lời khấn là một điều hứa quyết định với ý thức, quyết định mình phải làm điều gì và phải tránh điều gì mà ta đã bày tỏ với Thiên Chúa, do đó buộc phải trung thành. Hẳn nhiên các linh mục triều cũng được mời gọi sống khiết tịnh (độc thân) và vâng phục. Khó nghèo không được nhắc đến nhiều trong đời sống của linh mục triều[3], nhưng để nên giống Chúa Giêsu, các linh mục triều cũng ước sống thanh bần khiêm hạ.

    Vì là tu sĩ, nên các linh mục dòng thường sống trong cộng đoàn; trong khi đó các cha triều thường sống một mình tại giáo xứ của mình. Cha triều trực thuộc quyền hành của giám mục địa phận. Còn linh mục dòng cũng dấn thân phục vụ theo bài sai của bề trên. Khi đó, Giáo luật điều 680 nhận xét rằng: “Giữa các tu hội dòng với nhau cũng như giữa các tu hội với hàng giáo sĩ triều, phải cổ vũ một sự cộng tác có tổ chức cũng như cộng tác mọi việc và mọi hoạt động tông đồ, dưới sự chỉ đạo của Giám Mục giáo phận, miễn là vẫn phải tôn trọng đặc tính và mục đích của mỗi hội dòng và các luật tặng lập.”

    Với Giáo luật trên đây, chúng ta thấy tùy linh mục ấy thuộc dòng nào, mà đường hướng mục vụ của linh mục ấy ghi đậm dấu ấn linh đạo của nhà dòng. Chẳng hạn linh mục Dòng Tên hẳn là có đôi chút khác biệt về cách mục vụ so với Dòng Đa Minh hoặc Dòng Chúa Cứu Thế. Giáo xứ Dòng Phanxicô chắc cũng hơi khác với giáo xứ Dòng Ngôi Lời. Các giáo xứ Dòng lại càng khác so với các giáo xứ triều. Sự khác biệt này làm nên sự phong phú về đường hướng mục vụ trong Giáo hội. Nếu bạn phân biệt được linh mục triều và dòng, nghĩa là bạn cũng biết mỗi linh mục sẽ có chút khác nhau.

    Nhưng nét khác biệt nhất trong mục vụ của linh mục dòng, đó là không nhất thiết phải chăm sóc xứ đạo. Trong khi đó, cha triều thường phải quản xứ. Sự khác biệt này biểu hiện rõ khi các linh mục dòng thường được huấn luyện để hướng đến những sứ mạng cụ thể như: truyền giáo, tông đồ xã hội, giáo dục, giới trẻ, bệnh viện, v.v. Trong khi đó cha triều rất giỏi về quản trị giáo xứ và thường lưu trú tại một giáo xứ trong thời gian lâu dài. Cha dòng thì có tính lưu động cao hơn.

    Kể ra một vài nét khác nhau như thế để cho thấy Thiên Chúa khéo an bài gửi những linh mục khác nhau đến với đoàn chiên. Nếu ai cũng là cha triều cũng chắn, hoặc nếu toàn là linh mục dòng thì lấy ai chăm sóc giáo xứ địa phương. Tạ ơn Chúa vì sự phong phú trong ơn gọi linh mục này.

  1. Ơn gọi linh mục

    Nếu là người nam đang phân định ơn gọi, bạn cứ mạnh dạn tìm hiểu để thấy Thiên Chúa muốn mình bước vào con đường nào. Ơn gọi nào cũng cao quý. Ước gì chút phân biệt trên đây giúp bạn mạnh dạn dấn thân theo Chúa. Thánh Charles de Foucauld chia sẻ rằng: “Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.[4] Trong khi đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắn với người trẻ chúng ta: “Hôm nay Thiên Chúa tiếp tục mời gọi tha nhân theo Ngài. Chúng ta không nên chờ tới khi hoàn hảo rồi mới quảng đại thưa tiếng xin vâng. Đừng sợ hãi về những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng thay vào đó, hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Hãy lắng nghe tiếng gọi này, hãy phân định sứ mạng của từng người trong Giáo Hội và thế giới, và sau cùng hãy sống tiếng gọi ấy trong ngày hôm nay mà Thiên Chúa trao cho chúng ta.” (Ngày Thế Giới Ơn Gọi 2018).

    Có hai con đường chính mà người muốn đi tu có thể bước nào: Tu triều hoặc tu dòng.[5] Nếu ai muốn làm linh mục, thuộc về giáo phận, thì chọn vào chủng viện để học làm linh mục (chỉ dành cho nam). Nếu ai muốn nên người tu sĩ, cả nam lẫn nữ, đều có thể chọn một nhà Dòng nào đó để bước theo Chúa Giêsu trong khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Chúng ta nói “người ấy muốn”, nhưng trên hết, Thiên Chúa muốn người ấy trước. Do đó, ơn gọi luôn đến từ trên cao, vang vọng tiếng mời người ấy đi theo Đức Giêsu. Khi người nào nghe được tiếng ấy, nếu họ đủ can đảm và yêu mến, đời tu sẽ mở ra với họ.

    Chúng ta thấy Giáo hội và Xã hội lúc nào cũng cần người tu sĩ, cần linh mục dòng và triều. Họ là chứng nhân sống động của Thiên Chúa và Nước Trời. Không có người đi tu, nghĩa là, Giáo hội đang chết dần, chết mòn. Khi đó, người ta xa cách với ơn cứu độ. Không thể tưởng tượng được nếu thế giới không còn linh mục, thiếu vắng người tu sĩ. Dĩ nhiên, vai trò của hôn nhân gia đình vẫn quá quan trọng, đồng thời, ơn gọi cũng không thể thiếu vắng trong mọi thời. Tắt một lời, Giáo Hội khẳng định rằng: “Giáo Hội không thể nào từ bỏ đời thánh hiến được, bởi vì nó biểu hiện cách hùng hồn bản chất Hiền Thê thâm sâu của Giáo Hội.” (Tông Huấn Vita Consecrata, số 105).

    Do đó, ước gì mỗi người tiếp tục xin Thiên Chúa sai những thợ tốt lành ra gặt lúa về (x. Mt 9,32–38). Cầu nguyện cho nhiều người trẻ dám can đảm bước vào ơn gọi đặc biệt này: nên tu sĩ hoặc làm linh mục triều. Để với những điều đặc biệt trên, cuộc đời người tu sĩ hoặc linh mục triều luôn hạnh phúc bình an, luôn vui tươi dấn bước. Hy vọng tu triều và tu dòng vẫn còn đặc biệt hấp dẫn nhiều người trẻ, phải không bạn?

Nguồn: hdgmvietnam.com