Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Tộc Nguyễn Như - làng Ba Bình , tổng Hiền Lương, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.





HÂN HOAN LOAN BÁO TIN MỪNG TÂN LINH MỤC 

TÔMA NGUYỄN NHƯ THÀNH - CP 

 

 


                 Hôm nay dòng tộc Nguyễn Như hân hoan đón mừng tân Linh muc Tôma Nguyễn Như Thành - CP. Dòng tu Passionist - Dòng Thương Khó Chúa Giê-su , Thánh lễ tạ ơn tiến hành ngày 04 tháng 07 năm 2016 tại Thánh đường Giáo xứ Tân Xuân thuộc Giáo phận Xuân lộc.

 

              Linh mục Tôma Nguyễn Như Thành và Linh mục Phêrô Hoàng Chính Trực là 02 Linh mục tiên khởi của Dòng Passionist  tại Việt Nam đã lãnh nhận Hồng ân vĩnh khấn ngày 13 tháng 06 năm 2015 và thụ phong Linh mục ngày 11 tháng 06 năm 2016 tại Australia do Đức Giám mục ..... bề trên Dòng Passionist tấn phong .

 

                Trân trọng thông báo Quý bà con thân tộc gần xa hiệp thông cầu nguyện cho Hồng ân này. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Tư Liệu Lịch Sử Về Biến Cố Đức Mẹ Hiện Ra Tại Trà Kiệu

            Tư liệu này có tên “Một trang sử đau thương ở giáo đoàn Trà Kiệu” là bản dịch bài viết “Une page de la persécution en Cochinchine” do LM. Geffroy, Hội Thừa Sai Paris, truyền giáo tại Nam Việt, viết đăng trên tuần báo “Missions Catholiques” ở Paris vào các ngày 03, 10 & 17/9/1886. Bản trích đăng này được lấy từ cuốn “Linh địa Trà Kiệu” (Phần IV Phụ Lục, từ trang 267-300) của hai tác giả Jos. M. PCĐ & Mattheo LVT.
Chúng ta biết rằng : Giáo dân Quảng Nam (nay là Quảng Nam Đà Nẵng) được chia thành 3 khu vực. Khu vực phía Bắc, gần Đà Nẵng, do quyền cai quản của Cố Thiên (Maillard). Khu vực ở giữa gần thủ phủ Quảng Nam, do Cố Nhơn (Bruyère) coi sóc. Còn khu vực phía Nam được giao phó cho một linh mục bản xứ là Cha Cân Du. 
Không hiểu vì sao mà cuộc nổi dậy của Văn Thân (tức phong trào Cần Vương) lại bắt đầu nổi lên ở Tư Ngãi (Quảng Ngãi), rồi mau lẹ lan tràn vào phía Nam, đến Bình Định. Trong khi đó, ở Quảng Nam, cuộc nổi dậy của Văn Thân lại chậm hơn. Sự chậm trễ này không biết có phải là do Trà Kiệu ở gần thủ phủ Quảng Nam hay không, hay vì sự hiện diện của một đại đội thủy quân lục chiến và một chiến thuyền Pháp ở Đà Nẵng. Thực ra, điều đó chúng ta không biết đích xác được. Nhưng thực tế là sau một tháng rưỡi xảy ra cuộc tàn sát giáo dân ở Tư Ngãi, giáo dân ở Quảng Nam có thể đi lại bình thường, bằng chứng là vào những ngày đầu tháng 8 (1885), một đoàn chừng 200 giáo dân ở khu vực Cố Garrin (Tư Ngãi) đã vượt qua phần đất phía Nam tỉnh Quảng Nam để chạy ra Trà Kiệu mà không bị gì cả. Tuy nhiên, trong thời gian này, nhiều tin đồn về một cuộc bách hại khủng khiếp đã lan đi khắp nơi. Chính Cố Thiên cũng đã nghe đồn rằng : Trà Kiệu bị Văn Thân bao vây ; nên vào ngày 01 tháng 8 năm 1885, Cha đã xuống Đà Nẵng báo tin cho đại úy đồn trưởng Ducres, để nhờ ông ta đi giải cứu cho Cố Nhơn. Quân giải cứu đến Trà Kiệu, nhưng không thấy một nghĩa quân Văn Thân nào cả, mà cũng chỉ nghe toàn tin đồn như những nơi khác mà thôi.
                       Đến ngày 15/8/1885 thì những tin đồn này lại càng dữ dội hơn, đến nỗi Cha Cân Du và hơn một nửa giáo hữu của Ngài phải chạy trốn vì quá khiếp sợ. Một số ra nương náu ở Trà Kiệu, một số ra tỵ nạn ở Đà Nẵng, một số khác lại lên Phú Thượng. Số còn lại, vì quá nghèo, nên họ đành phải ở lại quê nhà, thà bị quân Văn Thân giết hơn là phải chết đói ở Đà Nẵng hoặc nơi nào khác. 
Nhưng từ ngày 20 đến 25 tháng 8, thì những tin đồn khủng khiếp đó lại lắng xuống. Người ta bảo rằng Văn Thân Quảng Nam sợ quân Pháp trả thù nên không dám nổi lên như Văn Thân ở Tư Ngãi và Bình Định, nhiều giáo dân ở khu vực Cha Cân Du tưởng rằng bình yên đã trở lại, cả Cha Cân Du đang nương náu ở Trà Kiệu cũng chuẩn bị trở về. Ngài đã cho các chức việc (giáo chức) về trước để lo cho giáo xứ. 
Đến ngày 26 tháng 8 năm 1885 thì những tin đồn kinh khủng đó lại loan đi trở lại. Lúc này Cha Cân Du đã rời khỏi Trà Kiệu rồi, nhưng nhờ “linh cảm”, thay vì đi về khu vực của ngài ở phía Nam thì ngài lại đi ra hướng Bắc, tức Đà Nẵng, và ngài cũng vừa đủ thời gian để tới nơi an toàn. Còn giáo dân của ngài đã trở về nhà thì không được cái may mắn chạy thoát như ngài, vì khi họ định tháo lui thì mọi ngả đường đã bị ngăn chận. Họ đã bị tàn sát cùng với số giáo dân không thể đi lánh nạn được. Số giáo dân bị tàn sát trong dịp này trên 1000 người, gồm có 650 người ở khu vực Cha Du, 280 người ở khu vực quanh Trà Kiệu và khoảng 100 người ở quanh Phú Thượng.
                     Ngày 31 tháng 8 năm 1885, quân Văn Thân bắt đầu tập trung chiếm cứ khu trung tâm thủ phủ. Tại Quảng Nam, cuộc tàn sát cũng xảy ra một cách thảm khốc như ở Bình Định và các nơi khác. Một vài ngày trước đó, quân Văn Thân đã cử những cựu quan chức đến các vùng Công Giáo để phỉnh gạt giáo dân bằng cách hứa hẹn bảo đảm an ninh một cách tuyệt đối, với ý đồ là làm cho người Công giáo yên tâm không chạy trốn, chờ đến ngày đã điịnh, họ có dịp tàn sát cho tận hết. Ông Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, chỉ huy trưởng quân Văn Thân ở Quảng Nam, đã đến các khu vực Công giáo ở phía Nam của tỉnh và cố dùng lời lẽ ngon ngọt để lừa phỉnh một số lớn giáo dân. Một cựu quan đại thần ở làng Nại Hiên, Đà Nẵng, lên lừa phỉnh khu vực Cố Thiên. Ông ta đến một làng dân bên Lương ở gần Phú Thượng và nhắn tin muốn gặp Cố Thiên. Cố Thiên trả lời rằng : nếu ông ta muốn gặp tôi thì đến nhà xứ chứ tôi không ra. Rồi người ta thấy chính vị cựu quan này đã chỉ huy tấn công Phú Thượng ngày 18/10/1885, và đã bại trận trong một cuộc kịch chiến tại đèo Lộc Hòa. Còn các quan chức ở Tỉnh đường cũng cam kết với Thiếu tá Gonec về sự trung thành của họ đối với Pháp quốc, cũng như xin bảo đảm cuộc sống bình thường cho người Công giáo, bằng cách quyết tâm lãnh đạo phong trào Văn Thân, và giữ vững an ninh trật tự. Vì tin những lời lừa gạt đó mà vị thừa sai đã bị sai lầm và mất cảnh giác về việc “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”.
Giáo xứ Trà Kiệu bị bao vây vào ngày 01 tháng 9 năm 1885, sau ngày Văn Thân chiếm giữ thủ phủ Quảng Nam. Trà Kiệu lúc bấy giờ chưa có chuẩn bị tự vệ, vì Cố Nhơn (Bruyère) nghĩ rằng : Trận chiến sẽ không khủng khiếp hơn trận chiến ở Trung Sơn, Tư Ngãi. Ở đó chỉ có 800 đến 900 giáo dân, kể cả người già và trẻ em, mà đã có thể cầm cự với quân Văn Thân ròng rã hơn một tháng trời. Với Trà Kiệu, ngài chỉ cần chống cự trong 2 hoặc 3 ngày để xin quân Pháp đến giải cứu, vì đại ý Ducres đã hứa với ngài một cách chắc chắn rằng, khi nào ngài bị tấn công, đại úy sẽ lập tức bay vào tiếp cứu ngay. Lời hứa đó cũng được ông ta nhắc lại trong một lá thư gửi cho ngài vào giữa tháng 8. Vì thế, Cố Nhơn một phần hi vọng vào sự cứu viện này, nhưng phần lớn là Cha hoàn toàn tin cậy vào sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria. Cha tin là chỉ có Mẹ luôn luôn hiện diện bên Cha. Cha cũng còn nghĩ rằng : thà ở lại Trà Kiệu để cầm cự ít ngày còn hơn là đưa giáo dân đi lánh nạn ở bãi cát Đà Nẵng, không nơi trú ngụ, không lương thực thực phẩm.
Giáo xứ Trà Kiệu có được 4 khẩu súng nạp hậu và mỗi cây chỉ có 10 viên đạn, với 5 khẩu súng bắn đá do Cố Thiên nhường lại, và một khẩu súng hỏa mai. Thêm vào đó, trong những ngày đồn đại khủng khiếp, giáo dân đã tự rèn một số giáo mác để tự vệ. Toàn giáo xứ lúc đó có 370 nam nhơn có thể cầm vũ khí để tham chiến (tuổi từ 16 đến 60) và được chia ra làm 7 đội. Các phụ nữ khỏe mạnh, độ 500 đến 600 chị, được xếp vào đội dự bị (đội 8). Sau khi đã chỉ định địa điểm phòng thủ cho từng đội, Cố Nhơn hoàn toàn phó thác và trông cậy vào Chúa và Mẹ.
                      Với địa hình địa thế của Trà Kiệu, việc phòng thủ rất bất lợi, vì muốn chiếm giữ những cao điểm để khống chế toàn giáo xứ, thì phải có một lực lượng đông gấp nhiều lần so với lực lượng hiện có. Về phía Tây, có đỉnh đồi rặng Kim Sơn (gọi là Hòn Bằng) cách nhà thờ chừng 120 mét. Còn về hướng Đông, cách đồi Kim Sơn 1 cây số (1 km) có hòn Bửu Châu (gọi là Non Trọc hay Non Trược) là một quả đồi hình nón nhô lên cao chừng 60 mét đến 70 mét (giáo xứ Trà Kiệu nằm giữa hai ngọn đồi này). Về phía Nam, cách một cánh đồng lúa có dãy thành Chiêm, rộng và cao, dấu vết của thành lũy kinh đô Chàm ngày xưa còn lại. Quân Văn Thân đã lập tức chiếm cứ các cao điểm trọng yếu này, nên việc phòng thủ của giáo xứ rất khó khăn. Còn về mặt Bắc, thì có một bãi cát rộng giáp ranh với tuyến phòng thủ của giáo xứ, mà mùa hè thì khô cạn, còn mùa đông thì đầy nước.
                  Vào ngày 01 tháng 9 năm 1885, khoảng xế trưa, người ta thấy quân Văn Thân từ bốn phía ùn ùn kéo đến, làn người đông nghịt vây quanh giáo xứ hò hét inh ỏi. Họ bao vây như thế ròng rã suốt 21 ngày đêm.
Chiều hôm đó, địch chưa tấn công. Họ hí hửng chiếm cứ những cao điểm và lo củng cố những vị trí chiến đấu. Họ chỉ bắn một vài phát súng vu vơ. Giáo dân Trà Kiệu lập tức tiến lên giữ ngọn đồi Kim Sơn và có ý giữ cao điểm này đến cùng. Thế nhưng vào ngày hôm sau, tức ngày 02/9/1885, vì khiếp sợ trước lực lượng quá đông đúc của Văn Thân, nên giáo dân không dám ở lại trên đồi cao này nữa. Sau một trận chiến giả vờ, họ đã tháo chạy xuống đồi một cách hoảng sợ, và tìm cách trở vào bên trong vị trí phòng thủ của giáo xứ. Mặc dầu không phải đương đầu với quân Văn Thân, nhưng vì quá hoảng sợ tháo chạy bán sống bán chết, nên đã bị té chết mất 4 người. Chỉ mỗi cái thất bại này cũng đủ làm cho họ thất đảm, tinh thần nguy ngập và chao đảo. Họ từ chối đi chiến đầu và quyết buông vũ khí để sớm cam chịu số phận bất hạnh của mình. Họ tập trung trước nhà Cha xứ và xin ngài ban cho các phép sau hết. Họ nói : “Chúng con phải chết, vì tất cả sự tự vệ đều vô ích, chúng con muốn chết ngay tại nhà thờ này hơn là ở chỗ nào khác”.
Đây là một trong những giờ phút đau buồn nhất của Cố Nhơn, mặc dù với tất cả cố gắng, ngài cũng không thể nào khơi lại sự can đảm của họ. Vào buổi chiều ngày 02/9, khi biết quân Văn Thân đang tiến sát vào phía Đông, Cố Nhơn sai một thanh niên mang lệnh cho vị chỉ huy đội 2 là nên bỏ những mảnh vườn riêng lẻ ở dưới chân đồi Bửu Châu, vì khó chống giữ, để lui vào phòng thủ ở bên trong đường ranh của các lũy tre, vừa kín đáo vừa hạn hẹp. Cậu thanh niên đó đã bóp méo sự thật bằng cách nói dối rằng : Cha ra lệnh bỏ tất cả để tập trung về nhà thờ nhận lãnh các phép sau hết và chờ chết. Đây không phải là lệnh của Cha xứ, mà chính cậu ta phịa ra theo yêu cầu chung của giáo dân. Nhưng may thay, vị chỉ huy đội 2 không tin vào lời phịa này, và cùng lúc đó ông ta thấy quân Văn Thân áp sát rất gần, ông mới ra lệnh cho một giáo dân (tự vệ quân) bắn vào chúng. Người vệ quân này núp sau một bụi tre, quan sát rất rõ, nên đã bắn vào toán quân đang kéo khẩu súng đại bác. Người đi đầu ngã xuống, lập tức những người kéo súng ở phía sau vất súng mà tháo chạy. Đội 2 đã thu được khẩu súng đó. Chiến thắng này cũng không làm cho giáo dân lên tinh thần được. Ban đêm, họ không chịu canh gác mà lui về nhà than khóc, hoặc là tập trung về nhà thờ chờ chết không chịu ra chống cự nữa. Nếu đêm hôm đó quân Văn Thân biết được tinh thần giáo dân suy sụp như thế và họ tổ chức tấn công, thì chắc chắn trong nháy mắt họ có thể tàn sát tất cả mà không ai dám chống cự. Nhưng may thay, kế hoạch của họ là không tổ chức tấn công ban đêm, vì sợ sẽ có một số người, nhờ bóng đêm mà thoát ra ngoài được. Trái lại, ban đêm họ tổ chức canh gác rất nghiêm ngặt, và không ngừng đanh trống gióng mõ. Cứ 5 phút thì người chỉ huy của họ lại bắc loa mà kêu to : “Ớ các đội, các vệ, phải canh giữ cho nghiêm nhặt, đừng cho đứa nào thoát nghe !”
Tiếng a-lô, a-lô đó vang lên nghe khủng khiếp quanh giáo xứ, rồi cứ lập đi lập lại suốt đêm và kéo dài trong 21 đêm như thế. Điều đó đã làm cho những người gan dạ nhất cũng phải lạnh người vì khiếp đảm. Chính Cố Nhơn khi nghe những lời a-lô đó cũng thấy dâng lên trong tim ngài một nỗi buồn vô tả. Nhưng lập tức ngài hướng tâm hồn lên cùng Mẹ Maria, người Mẹ đã từng che chở cho ngài rất nhiều lần, và chính trong cuộc bao vây khủng khiếp này, một lần nữa ngài lại được sự che chở huyền diệu của Mẹ. Mẹ là nơi nương tựa duy nhất trong những giờ phút tuyệt vọng này, nên ngài đã khẩn thiết cầu xin Mẹ một cách chân tình, và ngay lập tức ngài cảm thấy một niềm tin tưởng vô biên. Chính nhờ sự che chở quyền uy của Mẹ mà cha đã đứng vững đến cùng, và cũng chính trong đêm ngày 02 và 03/9, giáo dân bắt đầu lên tinh thần đôi chút. Vì thế, vào lúc nửa đêm, cha đã gọi các vị chỉ huy đến nhà xứ và báo cho họ biết là không còn cách nào khác hơn là phải chiến đấu tự vệ, và ngài đã quyết định như thế. Chẳng mấy chốc từ người này đến người khác đều đồng thanh kêu lên : “Phải chiến đấu, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa và Mẹ Đồng Trinh”. Họ lại bảo với nhau : “Chúng ta phải nghe lời cha, và nếu phải chết thì chúng ta sẽ chết với khí giới trong tay”.
                          Do vậy mà tối đó, người ta bàn tính chuẩn bị cho trận ác chiến vào ngày mai. Họ lo nấu cơm rất sớm, vì sợ trong ngày không có thì giờ để nấu. Và đúng như thế, ngày 03 tháng 9 hôm đó thật khủng khiếp. Họ phải giao chiến từ sớm tinh sương cho mãi đến chiều tối. Năm lần giao chiến là năm lần địch quân bỏ chạy tán loạn. Nhưng sau trận đánh thứ 5, tuy thắng trận, mà tinh thần giáo dân bị suy sụp, vì lúc này họ đã quá mỏi mệt và thấy quân Văn Thân càng lúc càng đông thêm. Trong khi đó, thì ngược lại, quân Văn Thân cũng khiếp sợ giáo dân nên vừa đụng độ là họ tháo chạy tán loạn. Họ chán nản và thường tụ tập từng nhóm mà oán trách chỉ huy của họ. Còn giáo dân Trà Kiệu thì tin chắc là không thể nào chống cự nổi, nên họ kéo về trước nhà Cha xứ xin Cha cho họ buông khí giới và vào nhà thờ chờ chết. Một vài viên chức lại đưa ra ý kiến “đầu hàng” bằng cách đi đàm phán với quân Văn Thân. Họ sẽ bỏ tất cả nhà cửa, ruộng vườn, của cải, chỉ xin một điều là cho họ ra Đà Nẵng bình an vô sự. Nhưng lại không có ai dám liều mình đi đàm phán với quân Văn Thân. Cuối cùng họ nghĩ ra một cách là viết các điều kiện đó bằng chữ lớn trên một vuông lụa to rồi cho người đem treo phía trước mặt quân Văn Thân, ngay đầu lũy tre thay thế cho lá cờ lệnh. Lúc đó thì nhà thờ đầy ắp người, họ từ chối không đi chiến đấu nữa ; còn Văn Thân thì đang tiến gần đến tuyến phòng thủ phía Bắc. Cha xứ cố gắng hết sức cũng không thể nào đưa họ trở lại vị trí phòng thủ. Họ quỳ xuống trước mặt Cha, vừa khóc vừa lạy, xin Cha ban các phép sau hết. Quân Văn Thân từ trên đồi Kim Sơn đã nghe họ than khóc nên chúng mai mỉa rằng : “Cố Thiên đến cứu chúng bay đó !”. Trong trường hợp nguy cấp và tuyệt vọng đó, chính nhờ ông Phổ, chỉ huy đội 1, đã cứu nguy cho giáo xứ. Ông không sợ hãi và không bao giờ nhụt chí, ông không ngừng lặp đi lặp lại : “Phải nghe Cha xứ, phải nghe Cha xứ”. Ông nói thêm : “Thật là khốn nạn nếu như chúng ta buông khí giới, vì quân Văn Thân không đời nào cho chúng ta ra Đà Nẵng một cách an toàn. Ai muốn đàm phán thì đi đàm phán, còn chúng tôi, luôn giữ chặt khí giới và phải chiến đấu cho đến cùng”.
Thế rồi tuy mệt nhoài, ông cũng đã tập trung lính của ông lại và dẫn ra giao chiến với quân Văn Thân đang tiến về phía Bắc. Cùng lúc đó, thầy Phan, vì vừa nghe được những lời mai mỉa của quân Văn Thân, nên ông đã lặp lại những lời đó một cách nghiêm trang để khích lệ và trấn an tinh thần những người còn đang ẩn náu tại nhà thờ rằng : “Cố Thiên đang kéo quân đến, chúng ta phải mau ra đẩy lui quân tấn công, để ngài có thể vào được”. Họ nghe thế và tin là thật, nên lại cầm khí giới chạy theo đội quân của ông Phổ. Ông đội Phổ đến cổng ra vào vừa đúng lúc viên chỉ huy đội 2 bắt đầu nói chuyện đàm phán. Khi chỉ huy đội 2 tuyên bố đầu hàng thì đội Phổ chặn lại ngay và la to lên : “Không, không, chúng tôi không bao giờ đầu hàng. Chúng tôi hoặc chiến thắng hoặc phải chết”.
                   Cùng lúc đó ông mở cửa dẫn đầu đội quân ào ạt xông thẳng vào quân Văn Thân một các hùng dũng, làm cho quân Văn Thân khiếp sợ chạy trối chết. Chúng ta cũng biết rằng, ngày tấn công thứ 3 này (ngày 03/9) rất khủng khiếp đối với giáo dân Trà Kiệu, vì ngày đầu và ngày thứ hai, giáo dân chỉ phải đương đầu với dân bên lương ở các làng quanh đó. Nhưng ngày thứ 3 này thì tất cả lực lượng ở thủ phủ Quảng Nam đều tập trung về đây rất đông. Nếu như họ có tinh thần chiến đấu không bỏ chạy một số lớn, thì quân số của họ có thể đông gấp 2 gấp 3 hiện nay, và có thể đè bẹp Trà Kiệu trong phút chốc. Thế nhưng, tại sao Trà Kiệu lại thoát khỏi cơn giáo nạn này ? Một phần là do sự chia rẽ của Văn Thân. Họ có nhiều vị chỉ huy khác nhau và mỗi vị chỉ huy chỉ lo riêng đơn vị của mình. Trong lúc đơn vị này giao chiến thì các đơn vị khác dựng giáo đứng xem và hò reo. Họ không hề hỗ trợ nhau và cũng không bao giờ nghĩ đến việc chận đánh tập hậu giáo dân, vì giáo dân thường rượt đuổi quân địch chạy rất xa. Họ không có kế hoạch tổ chức chung, nghĩa là không có ai chỉ huy tối cao, nên không có vị nào nhường vị nào, giữa họ chỉ có sự ganh tị chứ không có sự thỏa hiệp với nhau.
Ban đêm họ chỉ lo canh gác chứ không tấn công. Và từ hai ngọn đồi họ đặt súng đại bác bắn chừng chừng vào giáo xứ, và thường bắn vào chỗ có ánh sáng hoặc chỗ có tiếng chó sủa. Ban ngày họ dùng hai ngọn đồi này làm đài quan sát, nhất là họ cố quan sát để khám phá ra chỗ ở của Cố Nhơn. Vì thế mà ngài phải cạo râu và cải trang, nhưng cũng không sao tránh được. Ngài luôn bị chúng phát hiện : “Tây dương đạo trưởng, Tây dương đạo trưởng, bắn, bắn !”, chúng la lên và lập tức một quả đạn xẹt qua bên tai ngài. Cha quản xứ đã trải qua suốt thời gian bao vây với biết bao nhiêu là đau buồn, thất vọng và cay đắng. Ban ngày, ngài xuống tuyến phòng thủ của giáo xứ để xem xét những chỗ sơ hở yếu thế và kịp thời chỉ đạo việc chiến đấu. Vào lúc ngưng chiến đấu thì ngài lo chăm sóc những người đau yếu. Nhà thờ cũng như nhà xứ đều chật cứng. Từ 7, 8 ngày nay, Cha không thể ăn uống nghỉ ngơi gì được, nhất là vào ban đêm, với những tiếng kêu thét khủng khiếp của những tên lính canh, rồi tiếng nổ vang trời, làm sao Cha có thể yên tâm nghỉ ngơi được ? Ban ngày, ngài cũng cố nghỉ một chốc, nhưng rồi lại chợt giật mình trỗi dậy. Ngài đã nói với tôi rằng : Trong suốt những ngày đêm dài vô tận đó, ngài đã khóc rất nhiều, nhưng thường là khóc vì vui mừng. Trước sự che chở hiển nhiên của Mẹ Đồng Trinh, tim ngài phập phồng nức nở, rồi nước mắt sung sướng cứ ràn rụa, và sau đó ngài lấy lại được sự bình tĩnh.
                      Ngày 04/9, giáo dân đã đẩy lùi được hai đợt tấn công, một vào buổi sáng, một vào buổi chiều. Khi quân Văn Thân tiến sát đến vị trí phòng thủ của giáo xứ được làm bằng tre tươi, thì giáo dân lập tức xông ra và bắt đầu giao chiến. Không có trận chiến nào kéo dài quá 10 phút. Văn Thân tuy quân số đông nhưng sớm mất tinh thần rồi quay lưng chạy thoát. Giáo dân Trà Kiệu dần dần bạo dạn hơn và thường phóng đuổi theo, nếu không giết được nhiều quân địch thì cũng thu được một số đại bác, súng ngắn, do lính đào tẩu bỏ lại để chạy thoát thân. Có khi giáo dân cũng gặp cuộc chống cự mãnh liệt, giáo mác giao nhau mà không bên nào dám lui giáo để đâm, vì sợ chính mình lại bị đâm trước. Giáo dân đã dùng mưu mẹo, họ la lên : “Đổ rồi, đổ rồi, chúng chạy trốn. Chúng ta can đảm lên. Giê-su, Maria, hè ! hè !”. Nghe thế, quân Văn Thân đồng loạt ngước mắt nhìn xem thử cái gì đổ, thì ngay giây phút bất ngờ đó, giáo dân ta lui giáo để đâm giết chúng và như thế là quân Văn Thân hoảng sợ lo chạy thoát thân. Còn đội quân dự bị gồm toàn đàn bà phụ nữ, khi có dịp tham chiến họ cũng nhanh chóng tiếp ứng các cuộc giao tranh. Khi trông thấy những người phụ nữ này hùng dũng xông vào chiến trận thì quân Văn Thân run chân tháo chạy trước khi các bà lao đến. Và quả thật như thế, trông họ có vẻ dũng mãnh, với mái tóc tung bay sau lưng, họ nhảy xốc tới, vung gươm giáo hay dao rựa và kêu lên : “Hè, hè, Giêsu Maria Giuse, thương chúng con, che chở chúng con”. Dù bở hơi tai để rượt đuổi quân địch, nhưng họ vẫn tự hào, khi giết được quân giặc họ trở về tạ ơn Đức Mẹ. Từ khi bắt đầu bị bao vây, Cố Nhơn đã đặt một tượng ảnh Đức Mẹ trên cái bàn để ngay giữa nhà cha với hai cây đèn sáp hai bên. Tất cả những lần phải ra trận chống đỡ quân tấn công, giáo dân Trà Kiệu đều thắp đèn và quỳ cầu nguyện. Ai không thể đi chiến đấu được, như già cả và trẻ em, thi quy lần chuỗi chung với nhau, và khi quân địch bị đẩy lui thì các chiến sĩ trở về tạ ơn Mẹ. Họ quỳ gối trước ảnh Mẹ, tay vẫn còn cầm gươm giáo, có cái còn vấy cả máu, và họ cầu nguyện rất lâu. Có khi đang cầu nguyện họ phải gấp rút ra đi để ngăn chận cuộc tấn công mới. Nhưng họ không bao giờ quên trở lại để cám on Đấng phù trợ cho chiến thắng mới của họ. Lòng tin tưởng dần dần khơi dậy và người ta bắt đầu hy vọng. Họ không còn nhớ đến cái ngày thứ ba (03/9) hoàn toàn tuyệt vọng đó nữa.
Ngày 05 và 06 tháng 9, quân Văn Thân chỉ bao vây canh gác chứ không mở các cuộc tấn công. Thay vì tấn công thì họ lo xây thành đắp lũy ở phía Bắc, bên kia bãi cát, mục đích là để công cuộc bao vây được nghiêm nhặt hơn, đề phòng sự trốn thoát ban đêm, và đồng thời tạo cho phía giáo dân mất đề cao cảnh giác. Ngoài ra họ còn có mục đích khác là buộc binh lính của họ phải chiến đấu vì khi bị rào giậu ngăn cản ở sau lưng, thì binh lính không thể chạy trốn dễ dàng được. Đã nhiều lần người ta nghe các vị chỉ huy quở trách quân lính của họ là khiếp nhược và rối loạn ngay khi vừa đụng độ. Người ta có thể nghe được cuộc đối thoại của họ rõ ràng vì họ đóng quân trên ngọn đồi Kim Sơn rất gần nhà thờ. Khi hàng rào, thành lũy của họ đã làm xong, họ lại tăng cường thêm nhiều trại quân, điếm canh, dọc theo tuyến lũy. Sự việc đó không làm cho giáo dân lo lắng mấy, nhưng vào chiều ngày thứ 6 (06/9), khi thấy quân Văn Thân mang rất nhiều bó rơm rạ đến chất trên bãi cát, giữa hai lằn ranh phòng thủ, thì giáo dân mới thấy lo ngại. Dọc theo lũy tre phía Bắc giáo xứ, từ đồi Kim Sơn đến cồn đất dưới chân hòn Non Trược, được phủ đầy rơm rạ. Họ có ý muốn đốt lũy tre bao bọc giáo xứ. Thật là nguy hiểm, cần phải phá hủy số rơm rạ này và không cho chúng đưa rơm rạ đến gần lũy tre phòng thủ của giáo xứ. Do đó, giáo xứ đã quyết định một trận tử chiến vào ngày mai (07/9), và mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng.
                          Ngày 07/9, từ sáng sớm, sau khi đã cầu xin Mẹ Maria giúp đỡ và được Cha Xứ khích lệ tinh thần, giáo dân tiến ra cổng phía Bắc, và ở đó, giáo mác cầm tay, họ chờ lệnh tấn công. Khi cánh cửa vừa mở ra, họ đồng loạt xông vào quân Văn Thân, với một sự dũng mãnh vô song, đồng thờ reo hò chiến đầu. Quân Văn Thân lập tức chạy đến để đẩy những bó rơm rạ ra đến sát lũy tre. Chỉ huy của họ là cậu Thiên (có lẽ là Ông Ích Đường), con trai tướng Ông Ích Khiêm (Ông Ích Khiêm đã chống giữ Thuận An với tướng Courbet), quá khiếp sợ trước sự gan dạ của giáo dân, nên đã vượt qua tường rào của chúng để tháo chạy một cách xấu hổ. Và cũng vì ông ta sợ giáo dân đuổi theo, nên sau khi qua khỏi tường rào, ông liền đóng sập cửa lại, bỏ mặc cho số phận của quân lính ông. Quân Văn Thân bị vướng tường rào phòng thủ của chính họ, nên không thể tháo chạy được, đã bị giáo dân đâm chết rất nhiều. Tiếp đó, giáo dân tiến lên phá hủy rào giậu, doanh trại, điếm canh và thu tất cả chiến lợi phẩm ở trong các doanh trại. Đội quân dự bị phụ nữ (đội 8) được nổi tiếng trong ngày chiến thắng vẻ vang này. Phía giáo dân chỉ có vài người bị thương, còn phía Văn Thân, người ta không biết chính xác là có bao nhiêu người chết và bị thương, vì họ đã mang rất nhiều thương binh tử sĩ ra khỏi chiến trường, đến nỗi có một toán viện binh từ phía bắc kéo đến, nhưng thấy khiêng thương binh và tử sĩ về quá nhiều, nên họ khiếp sợ mà không dám đến tiếp cứu nữa. Riêng về xác chết bỏ lại chiến trường là 36 xác. Tất cả rào giậu, rơm rạ, doanh trại đều bị giáo dân phóng hỏa đốt sạch, khói lửa bốc cáo, khiến cho nhiều người tin rằng Trà Kiệu đã bị thiêu hủy. Chắc các bạn cũng có thể cảm nhận được nỗi vui mừng to lớn của giáo dân Trà Kiệu, và với tâm tình sốt sắng, họ vội vàng đến tạ ơn Đức Mẹ về chiến thắng vẻ vang của mình như thế nào rồi.
                           Hôm sau, ngày 08/9, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, lại là một ngày khủng khiếp nữa. Thánh lễ sáng vừa xong thì được tin quân Văn Thân tấn công vào hướng Nam. Họ kéo đến rất đông, tràn ngập cả cánh đồng và lũy Chiêm Thành, nơi giáp ranh của giáo xứ. Về phía này cũng như ở phía Đông, Cố Nhơn bắt phải bỏ nhiều khu vườn nhà giáo dân, để khỏi phải phòng thủ một phạm vi quá rộng lớn. Các điểm phòng thủ ở phía này cũng rất yếu ớt, không như ở phía Bắc, có lũy tre kín đáo, mà chỉ có những rào giậu sơ sài có thể vượt qua một cách dễ dàng. Tuy nhiên, quân Văn Thân ít tấn công hướng này, có lẽ vì khi tháo chạy thì rất vất vả nguy hiểm. Ở phía Bắc thì không có gì cản trở sự tháo chạy của họ, trong khi đó ở phía Nam có những cánh đồng lúa sắp chín, muốn chạy qua được đó không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng cuộc tấn công hôm nay rất ác liệt, đến nỗi giáo dân không thể chống cự được ngay trận đụng độ đầu tiên. Đơn vị trách nhiệm phòng thủ phía Nam phải bỏ lần từng mảnh vườn, từng mảnh vườn. Quân Văn Thân ồ ạt tiến đến điểm phòng thủ Phước Viện (Nữ tu viện Mến Thánh Giá), và họ đông không đếm xuể. Cũng lúc đó, từ hai ngọn đồi Kim Sơn và Bửu Châu, quân Văn Thân đã không ngừng bắn xối xả vào giáo xứ, đạn rơi khắp nơi. Cố Nhơn chạy ngược chạy xuôi để tìm người cứu viện cho phía Nam. Cuối cùng, đội quân dự bị (phụ nữ) “danh tiếng” cũng phải chuẩn bị hàng ngũ, tiến đến khu vực ở giữa Phước Viện và Cô nhi viện để giáp mặt với quân thù. Cùng lúc đó, một toán khác âm thần tiến qua phía tay phải, sát bờ suối. Quân Văn Thân giao chiến rất mãnh liệt, nhưng khi giáo dân đồng loạt tấn công mặt trước và hai bên hông thì chúng chùn chân và rồi tháo chạy tán loạn kể cả những người gọi là gan dạ nhất. Ngày hôm đó, đội quân phụ nữ lại rất xuất sắc và hiển hách, vì họ đã thực sự cứu nguy cho giáo xứ. Các bà nói : “Không có chúng tôi, tất cả thế là xong, vì chúng tràn đến quá đông mà các ông không sao chống cự nổi”. Còn quân Văn Thân trận đó thiệt hại rất lớn, lớn hơn số liệu người ta ghi lúc ban đầu, bởi vì một tháng sau đó, khi giáo dân đi gặt lúa, họ gặp 14 xác chết còn bỏ lại trong cánh đồng sát chân thành Chiêm. Quân Văn Thân hôm đó rất tức giân vì không thể nào tấn công vào “sào huyệt” của giáo xứ, nên từ trên đồi cao Kim Sơn họ chưởi bới va văng xuống đủ lời nguyền rủa. Và cũng không ai ngăn cản họ tự tố cáo nhau, tự chê trách mình không can đảm bằng những người phụ nữ công giáo. Nhưng thật bất hạnh cho các tín hữu đáng thương, vì chưa có thể chấm dứt được những khốn đốn của họ. Họ đã làm nên những chiến công phi thường, nhưng họ không sao đạt được sự giải cứu. Sau mỗi trận đánh, nỗi kinh hoàng mà quân Văn Thân gieo rắc lập tức lại tràn ngập hồn họ. Vòng vây mà họ đã bẻ gãy thì trong chốc lát lại được lập lại. Tuy nhiên, giáo dân cũng biết rõ rằng : sự hăng say của Văn Thân bắt đầu giảm sút, nên cũng vững tin đôi chút. Giáo dân đã nghe chúng nguyền rủa lẫn nhau, phàn nàn chỉ huy của chúng, kêu khóc và thất vọng, nhất là họ tranh cãi nhau về việc phân chia lương thực không được công bằng. Vì có những vị chỉ huy khác nhau, nên họ cũng chia thành nhiều nhóm riêng rẽ. Nếu có nhóm nào bắt được con bò hay con trâu, thì họ làm tiệc tùng cho riêng nhóm của mình, trong lúc đó những nhóm khác vẫn phải chịu khổ cực thiếu thốn, vì thế mà họ lại ghen tị, nguyền rủa nhau. Nước uống cũng thiếu trầm trọng, không bao giờ và không thể nào mang đến cho đầy đủ. Vì vậy, ngay với chính họ cũng đã bất mãn với nhau và rất dễ đưa đến hành vi chống đối. Trong những trận giao tranh, thay vì chiến thắng, họ đã chiến bại. Đại bác, súng hỏa mai, cũng không giúp gì nhiều mà có khi còn gây nguy hại nữa. Trong lúc này, họ mới nghĩ rằng : Với những khẩu “thần công” ở thủ phủ Quảng Nam mới chiến thắng Trà Kiệu một cách mau lẹ được ; mà ngay từ khi bắt đầu tấn công, họ đã không kéo đến, vì theo họ thì không cần phải dùng đến thân công cũng đè bẹp được Trà Kiệu ngay. Vả lại, kéo thần công lên đến Trà Kiệu cũng rất gian nan, vất vả. Vì thế mà bây giờ họ hối tiếc và quyết định kéo thần công về.
Ngày 09/9 là ngày họ dành cho việc đi kéo thần công về và đặt chúng trên hai đỉnh đồi.
Sang ngày 10/9 thì họ bắt đầu nã thần công thật khủng khiếp, vang dội cả tỉnh. Ở Phú Thượng, cách Trà Kiệu 40km, giáo dân nghe nổ rất kinh hoàng. Chính Cố Thiên cũng tin chắc rằng “đồng nghiệp” của ngài và giáo dân Trà Kiệu đang gánh chịu số phận thương đau. Tâm hồn ưu tư sầu thảm, cha leo lên núi Phú Thượng để xem thử phía Trà Kiệu có bốc cháy không. Cha biết rằng số phận Trà Kiệu được gắn liền vào số phận của Phú Thượng. Mặc dù lần đầu Phú Thượng kháng cự được, lần hai cũng có cơ may để kháng cự lại, nhưng một khi Trà Kiệu bị tàn sát rồi thì Phú Thượng rồi ra cũng bị tàn sát như vậy. Từ trên đỉnh cao, Cha không thấy lửa và cũng không thấy khói, nhưng tiếng súng thần công thì rất khủng khiếp, đến nỗi cha không thể nào tin được Trà Kiệu có thể chống cự nổi. Khắp nơi, kể cả Đà Nẵng nữa, khi nghe những tiếng nổ khủng khiếp đó, người ta bàn tán xôn xao là Trà Kiệu đã bị bình địa. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, Trà Kiệu không hề hấn gì, vẫn đứng vững và kháng cự anh dũng lại sự điên cuồng của quân Văn Thân.
Thần công của chúng được đặt trên hai ngọn đồi (Kim Sơn và Bửu Châu) và chủ yếu là bắn vào nhà thờ, nhưng đạn lại đi từ đồi này qua đồi kia, giết hại chính quân của họ. Đúng ra thì với số đạn mà người ta đã bắn có thể dằm nát  cả khu nhà thờ ra, nhưng thật lạ lùng, nhà thờ không hề hấn gì cả. Ngoài nhà thờ ra, họ còn nhắm bắn phá nhà nguyện của Phước Viện và nhà Cha Xứ. Quân Văn Thân đã biết rõ cha xứ thường ngồi tại một chiếc bàn đặt ngay giữa nhà, và chính nơi đây đã bị 5 quả đạn đại bác, từ đầu này đến đầu kia. Ngọn đèn treo ở phía trên bàn của Ngài bị bể tan, những bức điêu khắc và tranh ảnh treo ở vách ngăn ở phía sau bị phá hủy, rách nát. Có lúc ở trên đồi, quân Văn Thân đã reo hò chiến thắng. Chúng kêu lên : “Tây dương đã chết, tây dương đã bị giết”. Nghe thế, cha xứ bước ra ngoài mái hiên và nói lên với chúng : “Không dễ gì giết được tôi, các ông xuống đây đọ sức với tôi thì sẽ biết”. Cha nói vừa dứt lời thì một quả đạn bay vèo đâm vào cây cột sát bên cạnh ngài. Biết rằng cha xứ là linh hồn của cuộc chống cự nên Văn Thân tìm mọi cách, với bất cứ giá nào, cũng phải giết cho được cha xứ. Một phần thưởng rất lớn, từ 20 đến 30 nén bạc (tương dương 1800 đến 2000 quan Pháp) cho ai bắt sống hoặc giết được ngài. Ba lần ngài bị bắt hụt. Ban đêm quân Văn Thân lợi dụng bóng tối thâm nhập vào giáo xứ và len lỏi đến gần nhà cha. Khi gặp ngài, chúng cố bắt sống, nhưng nhờ sự nhiệt tình của giáo dân nên ngài được cứu thoát. Tất cả những tình tiết cảm động này, bây giờ cha Bruyère (Cố Nhơn) kể lại với một giọng điệu vui vui, nhưng chắc lúc đó ngài không thể cười được.
Sau những trận đại pháo, ngài lại rời khỏi nhà xứ để đi chăm sóc các bệnh nhân và tìm chỗ nghỉ ngơi cho những người bị thương đang nằm ở nhà thờ. Và cũng rất may ngày hôm đó không có trận giao tranh nào cả. Quân Văn Thân đang tập trung quan sát thành quả những trận đại pháo vừa qua, nhưng họ sững sờ khi trông thấy mọi nơi đều y nguyên, mặc dù họ đã dốc hết sức, nhưng tất cả hãy còn đứng vững. Trong các cổ đại pháo, có một khẩu đường kính rất lớn, và được đặt rất gần, khoảng 100 mét, nhưng chỉ bắn trúng nhà thờ có một quả và trúng vào cái hoa thị nhỏ ở phía sau bàn thờ, còn những quả đạn khác lại đi quá cao. Nhưng đó không phải vì nhắm không chính xác, xạ thủ là một quan chức rất quen sử dụng đại bác. Hắn ta đã thú nhận sau đó rằng:muốn nhắm một bà đẹp mặc đồ trắng đứng trên nóc nhà thờ, mà tất cả đều đi quá cao, trừ có một quả.
Suốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau, quân Văn Thân trên đồi Kim Sơn không ngừng kêu lên :“Thật lạ lùng, có một người đàn bà luôn đứng trên nóc nhà thờ, bà rất đẹp mà ta không sao bắn trúng”.
Phải chăng đó là một phép lạ tỏ tường của Đức Mẹ, phải chăng Đức Mẹ đã che chở cho mọi người đang ẩn náu trong thánh đường được dâng hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ. Tôi không dám loan báo một sự việc quan trọng như thế, mà tôi chỉ xác tín rằng: quân Văn Thân trong suốt hai ngày liền, họ không ngừng lập đi lập lại rằng : Họ thấy một người đàn bà đứng trên nóc nhà thờ. Khi thì họ nói với sự kính trọng và gọi bà là MỘT BÀ ĐẸP MẶC ĐỒ TRẮNG, khi thì họ tức giận, nguyền rủa, văng tục, vì không sao bắn trúng bà. Giáo dân khi nghe họ nói thế cũng cố nhìn lên nóc nhà thờ, cả cha xứ nữa, nhưng không ai được thấy. Vả lại, tại đây không phải chỉ có một dấu lạ như thế, mà người ta cũng đã nghe đến nhiều dấu lạ tương tự. Tôi muốn nói đến “đạo quân trẻ em”, một đạo quân mặc áo trắng hay đỏ, tiến đến như một đạo quân hùng dũng, chống lại với Văn Thân. Đã hơn một lần, quân Văn Thân kêu lên rằng : Họ không chỉ đánh với người Công giáo, mà còn đánh với hàng ngàn trẻ em đến tiếp ứng khi giáo dân xuất trận. Các em này đến từ trời cao và xuống dọc theo lũy tre khi người Công giáo xuất hiện. Chắc chắn là không phải tất cả những lần xuất trận đều có sự việc lạ lùng đó, mà giáo dân Trà Kiệu chỉ nghe Văn Thân nói về điều đó trong 2 hay 3 lần đụng độ mà thôi. Cho dù đó có phải là phép lạ hay không, nhưng đối với đồng đạo đáng thương của chúng ta, khi đó là dấu chỉ lòng xót thương của Thiên Chúa đối với họ. Và chính Mẹ Maria bằng cách này hay cách khác, cũng đã thể hiện lòng từ ái chở che của Mẹ. Và chúng ta tin chắc rằng, nếu Chúa cho phép những cơn thử thách ghê gớm như thế, thì Ngài cũng có quyền không cho phép tận diệt con cái của Ngài. Rồi đây, sóng gió sẽ nhường lại cho an bình, sau những ngày đau thương sầu thảm, tôi hi vọng giờ phút vỗ về mừng vui cũng lại được vang lên.
Nhưng sao lâu quá, lạy Chúa, xin Chúa hãy mau đến cứu giúp chúng con. 
Ngày 11 tháng 9 lại còn khủng khiếp hơn vì phải giao chiến dưới hỏa lực đại pháo bắn trực xạ vào giáo xứ. Trong lúc đó quân Văn Thân tập trung tại địa điểm phòng thủ “Phước viện”, gần lũy tre rậm và nổi lửa lên đốt. Cuộc giao tranh diễn ra ở trong con suối nằm giữa giáo xứ và đồi Kim Sơn. Lực lượng giáo dân phải lùi bước ngay trận đụng độ đầu tiên, và liền đó, vị trí phòng thủ phía nhà Phước viện bị Văn Thân tràn ngập, nhưng nhờ các nữ tu đã hành động hết sức phi thường, các soeurs vừa xông vào giập tắt lửa, vừa rượt đuổi quân địch. Một soeur bị một quả đạn tử thương. Vào giây phút nguy kịch đó thì cố Nhơn vừa đến. Nhờ sự hiện diện cũng như những lời động viên khích lệ của ngài mà giáo dân lấy lại can đảm, rồi đồng loạt phóng mình xuống dòng suối, quân Văn Thân thấy thế, sợ quá, tháo chạy. Trong trận này, có một tên Văn Thân nói là nhân danh Trời truyền lệnh cho người công giáo ngừng chiến đấu và phải đầu hàng. Nó nói : “Hãy đầu hàng, đó là ý muốn của trời, khốn cho các ngươi, nếu các ngươi còn kháng cự”. Nói nói vừa dứt, có một giáo dân phóng về phía nó và đâm cho nó một giáo, đang khi nó cố trèo lên bờ suối phía bên kia. Nó bị giết cùng với 4 tên nữa cũng đang bị vướng mắc trong các bụi tre. Xác của chúng bỏ lại đó cho đến ngày chấm dứt cuộc chiến, làm hôi thúi cả một vùng.
                Tuy thắng trận, nhưng nỗi lo lắng lớn nhất của cố Nhơn là sợ thần công ở đồi Kim Sơn bắn sập thánh đường. Nếu thánh đường bị sụp đổ thì điều đó sẽ mang lại một hậu quả thật khủng khiếp về mặt tâm lý : giáo dân sẽ mất tinh thần, mất can đảm, và như thế là hết, tất cả sẽ bị hủy diệt. Thánh đường còn thì niềm tin còn. Thánh đường có 8 cây cột bằng gạch chống đỡ, nếu một quả đạn làm gãy mất một cây cột, lập tức nhà thờ sẽ bị đổ nhào ngay. Vì thế mà cha mới táo bạo quyết định tiến chiếm đồi Kim Sơn. Cha muốn ban lệnh tấn công ngay. Các vị chỉ huy đều im lặng, vì họ sợ khó mà thực hiện được. Đây là khu tổng hành dinh của quân Văn Thân, lại ở trên một quả đồi cao, bên dưới có rào giậu kiên cố. Một lúc sau, họ mới xin cha đợi đến sáng ngày mai, trước khi mặt trời mọc, quân Văn Thân sẽ lơ là canh gác, chúng ta bất ngờ leo lên mở đợt tấn công, như vậy mới có cơ may thành công được. Cha nghe theo ý kiến tuyệt vời đó và quyết định sẽ tấn công vào lúc 3 giờ 30 sáng hôm sau.
Suốt đêm đó, tâm hồn cha nặng trĩu âu lo. Cha luôn lắng nghe động tĩnh và hồi hộp chờ đợi giờ đã định. Vào khoảng nửa đêm, từ phía bên kia bờ suối, một giọng nói khàn khàn gọi các giáo dân. Cha cùng với một vài người nữa đến sát bên bờ suối để nghe cho rõ hơn, và cha đã nghe rõ ràng rằng : “Hỡi giáo dân, hãy qua bên bờ suối này mà lấy đại bác của chúng tôi, để chúng tôi không cò bị buộc phải giữ chúng nữa. Chúng tôi quá mệt mỏi với trận chiến này rồi, và chúng tôi không muốn gì khác hơn là quay về nhà. Nếu các ông không qua lấy, chúng tôi sẽ ném chúng xuống suối”.
Một giờ sau, người ta nghe một tiếng động mạnh giống như một vật gì nặng rơi xuống nước. Cái gì vậy ? Không ai biết. Nhưng khẩu đại bác đó cũng không thấy ở dưới suối và cũng không có tại chỗ họ bắn hôm qua.
Khoảng 3 giờ, Cố Nhơn đi báo thức các chiến sĩ để chuẩn bị tấn công. Khi họ bắt đầu vượt qua con suối thì cha quay trở lại nhà xứ và tìm một nơi để có thể quan sát họ trèo lên đồi. Bóng đêm còn bao phủ cả quả đồi nên không thể thấy gì cả. Cha chỉ biết chờ đợi… Cha quá sốt ruột không biết họ đang làm gì, đến đâu rồi, và tại sao lâu vậy, vì lẽ ra giờ này họ phải phá hủy tường rào của chúng. Trong khi đó thì các chiến sĩ ta không dám chặt cây quá mạnh vì sợ đánh thức chúng nên chặt nhè nhẹ. Khi họ thực hiện xong thì trời vừa sáng và quân Văn Thân đã bắt đầu xuất hiện rõ trên mỏm đồi. Tất cả chúng đang cột búi tóc và nhìn về hướng Cố Nhơn, vì cha đang đứng ở nơi trống trải nhất, nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý của chúng, để cho các chiến sĩ ta trèo lên phía sau lưng họ. Nhưng sau đó thì quân Văn Thân ở phía bên kia đồi phát hiện được và kêu lên khiến chúng quay lại nhìn. Lúc này thì các chiến sĩ của ta cũng vừa kịp đến nơi và lập tức hô xung phong tấn công. Các chiến sĩ ta đã giết được vài tên, số còn lại tháo chạy. Ta hoàn toàn chiếm cứ đồi Kim Sơn và thu được 4 khẩu đại bác, 5 súng nhỏ và chục súng trường. Sau đó, ta châm lửa đốt doanh trại của chúng.
Ngày 12 tháng 9 là ngày rất vui mừng, niềm tin được tăng lên, nhưng chưa phải là hết. Thật vậy, quân Văn Thân bị mất hồn, nên từ đồi Bửu Châu (Non Trọc), cả ngày hôm đó lẫn ngày hôm sau họ không bắn lấy một phát đạn đại bác, tuy nhiên, họ vẫn bao vây giáo xứ cẩn mật. Nếu họ không tìm cách lấy lại đồi Kim Sơn mà họ đã để mất, thì họ lại không ngừng canh gác ở phía đồi bên kia (Non Trược) để ngăn chận không cho giáo dân liên lạc với bên ngoài. Mục đích của họ là giam đói cho đến cùng, vì nếu không chiến thắng bằng vũ khí thì ít ra cũng chiến thắng bằng đói khát. Và  quả như thế, giáo xứ bắt đầu thiếu lương thực, ngay cả lương thực của Cố Nhơn cũng hầu như đã cạn, vì ngài phải nuôi một đoàn giáo dân đến lánh nạn ở đó mà họ chả có mang được gì đến. Thật nguy khó, người ta chỉ còn trông cậy vào Chúa, người ta hi vọng vào Đức Maria là Đấng không bỏ họ trong những ngày chịu đựng lâu dài này. Khắp nơi trong tỉnh phải khiếp vía vì những loạt đại bác khủng khiếp trong hai ngày trước, họ tin rằng Trà Kiệu thế là xong. Quân Văn Thân hỉ hả loan tin thắng trận và ca hát tưng bừng. Chúng đe dọa sẽ kéo ra Đà Nẵng. Để che đậy sự thất bại, chúng tấn công Phú Thượng, nhưng Cố Thiên đã chống cự mãnh liệt, khiến chúng lại kéo về Trà Kiệu. Lần này đứng đầu là một cựu đô đốc, ông Chưởng Thủy Tý. Chúng nhờ đến cái thiên tài quân sự của ông để tận diệt những “thằng Công giáo quỷ quái” một lần cuối cho xong.
Vì thế vào ngày 14 tháng 9, người ta thấy chúng tiến đến phía cánh Nam đông vô số kể. Từ sáng sớm, Cố Nhơn đã lên đồi Kim Sơn để quan sát các hoạt động của quân Văn Thân. Ngài không khỏi sửng sốt khi thấy tất cả cánh đồng phía Nam tràn ngập những đạo quân đang tiến về phía giáo xứ, trong khi vừa hò hét, vừa đánh trống. Ngài vội vả leo xuống để ban lệnh chuẩn bị một trận phản công. Ngài vừa về đến giữa đội quân của mình thì quân Văn Thân đã chiếm dãy thành Chiêm và bắt đầu dựng nên một hàng rào chuẩn bị cho trận chiến. Họ rất vội vàng, và một hàng rào đã được dựng lên một cách mau lẹ lạ thường. Cố Nhơn thấy rất nguy hiểm nếu để cho họ xây dựng và củng cố vị trí ngay trên thành Chiêm này, vì đây là cạnh sườn của giáo xứ. Ngài quyết định phải tấn công ngay. Về phía Đông, đội quân thứ 3 sẽ tiến lên đầu dãy thành Chiêm, nơi mà chúng chưa tràn tới, để từ đó có thể dồn lui quân Văn Thân, hoặc đánh tan chúng ở cánh đồng phía bên kia. Một phần của đội quân dự bị (đội 8) được tăng cường đến giúp đội 3. Trong khi đó, một phần quân dự bị còn lại giúp cho đội 1 tấn công mặt trước. Người ta tin chắc là sắp xảy ra một trận giao tranh ác liệt, và ai cũng chuẩn bị chiến đấu một cách dũng cảm. Nhưng thật ngạc nhiên, quân Văn Thân bắt đầu quay lui trước khi các chiến sĩ của ta tiến đến. Ông Chưởng thủy Tý kêu ầm lên và rất vất vả để ngăn chận chúng lại, nhưng chúng không dám đứng lại và bỏ mặc một mình ông, với khoảng 10 người bảo vệ cho ông. Khi thấy giáo dân tiến đến gần, chính ông cũng phải bỏ chạy nhưng quá muộn. Hai thanh niên Trà Kiệu rượt theo, toán cận vệ của ông cũng bỏ ông mà chạy thoát thân. Khi thấy bị đuổi kịp thì ông quay lại xin hai thanh niên đó tha cho được sống. Hai thanh niên bảo với ông rằng : “Nếu mày muốn sống, chắc mày đã không đem sự chết đến cho chúng tao, ơ đây không có sự dung tha”. Nói rồi họ đâm ông, lấy thanh kiếm và cắt đầu ông mang về. Chắc người ta sẽ nghĩ rằng : điều đó thật hung ác, không theo đúng quy luật tù binh (chiến trận). Ôi những người giáo hữu đáng thương, đối với họ, thì người ta có giữ luật lệ gì đâu. Dù trẻ hay già, đàn ông hay đàn bà, bất cứ ở đâu trong Tỉnh, tất cả đều bị người ta bắt và dẫn đến Trà Kiệu để treo cổ trước sự chứng kiến của cha mẹ họ. Dù đó là hung ác, nhưng tôi không muốn bỏ qua đoạn này, vì muốn kể lại tất cả mọi việc.
Ngày hôm đó, lần đầu tiên người ta thấy một con voi xuất hiện trong đội quân Văn Thân. Giáo dân chưa biết phải làm gì để đối phó với loại tấn công mới này, nên hết sức lo lắng, nhất là đối với phụ nữ, họ do dự không dám tham chiến. Bấy giờ, có một thanh niên xung phong đi đuổi nó. Cậu ta nói : “Cho tôi một bó đuốc cháy, và các anh sẽ thấy nó quay lưng lập tức”. Đúng vậy, với bó đuốc cháy rực, cậu ta tấn công, voi run sợ bỏ chạy dù cho thằng nài cố mà giữ nó lại. Cậu ta đuổi theo đâm vào sườn nó, nhưng không đủ sức để đâm thủng được. Thằng nài ngã xuống lủi trốn vào bụi rậm rồi vắt giò mà chạy trối chết. Từ đó, người ta không lo ngại voi nữa, mặc dù trong hai trận sau đó, họ cũng có đưa voi tham chiến, nhưng không thể chiến đấu với giáo dân được. 
Ngày 15/9, không có trận đánh nào. Quân Văn Thân tập trung củng cố lực lượng ở phía Đông chung quanh đồi Non Trọc. Dưới chân đồi Non Trọc, ở phía bên kia thuộc phần đất của dân bên Lương, có một nơi đóng quân chính của quân Văn Thân. Đó chính là đình làng ngũ xã, mái lợp ngói, tường xây gạch, xinh xinh… Ở đó còn có 2 hay 3 ngôi chùa, 1 tăng viện, cũng đều xây bằng gạch, lợp ngoái. Khi bị rượt đuổi khỏi đồi Kim Sơn, quân Văn Thân đã chọn nơi này làm bản doanh chính của họ và họ bắt đầu củng cố để có nơi ẩn núp khi bị đột kích bất ngờ. Súng thần công của họ đặt trên đồi Non Trọc dể bắn vào giáo xứ, nhưng đều thất bại, nên từ đó họ ít bắn vào nhà thờ, nhà cửa, mà lại nhằm bắn vào người. Đại bác bắn đạn ria (sắt vụn), một phát có chừng 80 đến 100 viên đạn ria, được bọc trong một các giỏ mây và khi rơi xuống sẽ tung tóe ra chung quanh. Một lần Cố Nhơn núp sau một bụi tre, thì bị trọn một quả đạn ria này, giống như một cơn mưa đạn. Thoạt đầu, cha nghĩ là chết thôi, và theo bản năng tự nhiên, cha đưa tay rờ khắp thân thể và cha không thể tin là mình còn sống và không hề hấn gì. 
                   Ôi các giáo hữu đáng thương, họ thoát được cuộc bao vây và tấn công này và không bị giết, chắc chắn đó là họ được Đức Mẹ Đồng Trinh che chở cách riêng. Nhưng chúng ta phải tiếp tục theo dõi, vì chúng ta chưa biết được kết quả cuối cùng của cuộc bao vây tấn công này. 
Ngày 16/9 có 3 trận giao chiến, hai trận diễn ra ở bãi cát phía Bắc. Quân Văn Thân thích chọn phía này làm bãi chiến trường, vì ở đây không có gì cản trở sự tháo chạy của Văn Thân, rồi chờ lúc thuận lợi chạy đến nấp sau một tảng đá lớn chờ leo lên đồi. Khi phát hiện giáo dân tấn công, các vị chỉ huy Văn Thân kêu ầm lên, bảo quân lính ngăn chận giáo dân đang tiến lên. Voi được thúc ra trận, nhưng voi lại không chịu đi, mặc dù thằng nài không ngừng giáng những cú búa tạ liên tục. Và lạ thay, thay vì tiến lên thì nó lại lùi. Thằng nài kêu lên với các vị chỉ huy của nó rằng : “Voi sợ đám đông giáo dân không dám tiến lên”. Rồi nó la lên : “Hãy nhìn kìa, đạo quân trẻ nhỏ xuống từ trên các lũy tre, chạy là tốt nhất. Người công giáo đông quá”.
Giáo dân nghe những lời đó rất rõ ràng, nhưng không thấy gì cả. Cuối cùng thì một trong 10 thanh niên đội 4 đã leo lên được trên ngọn đồi và tìm cách bắn một phát súng vào tên lính đang canh gác trên đỉnh đồi. Một trong những người chỉ huy ngã xuống, những tên còn lại vội vàng tháo chạy. Giáo dân lợi dụng thời co tiến lên đỉnh đồi trước sự run sợ của quân Văn Thân, và chúng đã tháo chạy xa từ 15 km đến 20 km mới dám ngừng lại, vì sợ người Công giáo rượt theo. Khi Trà Kiệu được giải vây, thì lập tức các đình làng, chùa chiền, tu viện Phật giáo đều bị đốt cháy. Tin giáo dân Trà Kiệu chiến thắng loan đi khắp vùng, làm cho dân ngoại bắt đầu lo sợ một cuộc báo thù. Trong doanh trại Văn Thân, giáo dân tìm được 3 khẩu đại bác, một vài khẩu súng nhỏ, nhiều nhất là thuốc súng và quân nhu. Khi tìm kiếm ở đây, thấy rất ít lúa gạo, giáo dân mới đoán rằng : quân Văn Thân đã cất giấu lương thực ở tận cuối làng. Và không để mất thời giờ, giáo dân liền chạy đến truy tìm. Và quả đúng thế, ở đây họ tìm thấy một số lượng gạo rất lớn. Suốt ngày hôm đó, giáo dân lo vận chuyển lương thực về giáo xứ. Đến chiều, khi mọi việc đã xong xuôi, với tinh thần vui mừng hớn hở, họ kéo về tạ ơn Chúa, Đức Mẹ, các Thiên Thần đã tham dự vào cuộc chiến giúp họ. Tâm hồn tràn ngập niềm vui khôn tả, thay vì phải chết đói, hay chết trong vòng vây của quân thù, thì bây giờ họ đã được cứu sống, đã chiến thắng hoàn toàn.
                  Cuộc bao vây tấn công kéo dài 21 ngày đêm, giáo xứ Trà Kiệu mất đi 15 nam nhơn và 25 người bị chết do tạc đạn bên ngoài cuộc giao chiến. Về tổn thất của quân Văn Thân thì không thể nào biết chính xác được, nhưng có thể nói mà không sợ lầm, là số tử thương lên trên 300 người. 
Ngày 22/9, giáo dân tiếp tục triển khai chiến thắng của mình và đã trừng trị những tên đầu sỏ ở những làng chung quanh, những kẻ đã gây nên hận thù với giáo xứ, cũng như chúng cuồng nhiệt chi viện cho quân Văn Thân. Giáo dân không gặp sự kháng cự nào cả. Dân ngoại hoặc lập tức đầu hàng, hoặc vội vàng tháo chạy. Nhiều làng đến xin lỗi vì họ bị quân Văn Thân ép buộc phải chi viện, và họ hứa là không còn phân chia lương giáo nữa. Cố Nhơn rất khoan dung và ngài còn đề phòng sợ giáo dân của ngài trả thù các làng chung quanh, vì họ không tin các làng đó đã thành thật quy hàng, nên ngài đã đưa ra nhiều quy định và sẽ có hình phạt nghiêm khắc đối với giáo dân nào vi phạm.
Về phần quân Văn Thân, sau khi tháo chạy, chúng tập trung về thủ phủ tỉnh Quảng Nam và gởi lệnh đi khắp nơi để lập lại đoàn quân mới. Chúng hăm dọa những ai từ chối theo chúng.
Ngày 23/9, chúng khởi hành từ thủ phủ Quảng Nam và hướng về Trà Kiệu, mang theo một khẩu đại bác cỡ lớn và chừng 10 quả tạc đạn. Khi vượt qua hồ Chợ Củi (Câu Lâu), cách Trà Kiệu chừng 5 km, thì chúng nghe một tiếng nổ khủng khiếp và chúng biết rằng quân Pháp đã dùng mìn để đánh sập cổng ra vào thủ phủ, và như thế là thủ phủ đã bị chiếm cứ. Vì thế, họ lập tức bỏ khẩu đại bác lại đó, và vất những quả tạc đạn ở cánh đồng bên cạnh rồi chạy trốn. Biết được những việc vừa xảy ra ở làng Chợ Củi, Cố Nhơn cho người đến lấy những quả tạc đạn này, còn khẩu đại bác thì bỏ lại vì nó quá nặng.
Kể từ ngày đó, trong một thời gian khá dài, quân Văn Thân không còn thấy xuất hiện nữa…
Cuối cùng vào ngày 20/4/1886, Trà Kiệu lại bị bao vây một lần nữa vào khoảng 2 giờ sáng. Cuộc tấn công này không kéo dài, vào lúc rạng sáng thì quân Văn Thân lại tan rã.
———————————-
Chú thích của người dịch :
1- Các ngày đáng nhớ :
+ Ngày 01/9/1885 : Quân Văn Thân bắt đầu bao vây Trà Kiệu.
+ Ngày 10-11/9/1885 : Đức Mẹ hiện ra
+ Ngày 21/9/1885 : Trà Kiệu hoàn toàn chiến thắng.
2- Sau biến cố đau thương ở Trà Kiệu, Cha Geffroy đã đến Trà Kiệu và ở lại đó trong khoảng thời gian dài (3 hay 4 tháng) để tìm hiểu tường tận và nhất là để nghe chính Cố Nhơn cũng như những người trực tiếp tham chiến kể lại. Vì thế mà ngài đã ghi lại rất tỉ mỉ và đầy đủ suốt 21 ngày đêm bị bao vây tấn công, và ghi từng ngày một.
HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TRÀ KIỆU 2016
KỶ NIỆM 131 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI TRÀ KIỆU

Ban MVTT/GP (WGP.Đà Nẵng 25.06.2016)