Thứ Năm, 18 tháng 12, 2008

TƯỞNG NHỚ GIÁO HẠT ĐẤT ĐỎ - GIÁO PHẬN HUẾ


        

THƯƠNG KÍNH 1300 VỊ TIỀN NHÂN VĨNH LINH " TỬ VÌ ĐẠO" NĂM 1645,1838,1885

     Giáo hạt Ðất Ðỏ nằm gọn trong địa hạt phủ Vĩnh linh tỉnh Quảng trị, nơi đây một thời nổi tiếng là vùng Công giáo sầm uất. Nhưng nay đã  tan tác theo vận nước điêu linh nghiêng ngửa.
     Các làng công giáo vùng nầy phần nhiều ở dọc ven sông Hiền lương  (Bến hải) thuộc phủ Vĩnh linh, xưa kia gọi là huyện Minh linh và sông Hiền lương gọi là sông Minh lương. Con sông nầy bắt nguồn từ Trường sơn chảy về tưới lúa đồng bằng Vĩnh linh rồi chảy ra hải khẩu Cửa Tùng. Có lẽ nhờ cửa biển nầy mà trước đây các nhà truyền giáo đã cập thuyền men sông, tiếp xúc với cư dân để giảng đạo.
     Theo Việt nam giáo sử (tóm lược), công cuộc truyền giáo  ở Trung Việt (1615-1659) được bắt đầu từ cửa Hàn (Ðà nẳng) vào năm 1615 rồi dần đến Quảng nam, Bình định. Ðang khi giảng đạo ở Quảng nam, các linh mục chia nhau khu vực để làm việc. Cha Perdo Mattos lo giảng đạo ở Thuận hóa - Quảng bình (Thừa thiên, Quảng trị, Quảng bình). Cha Ðắc lộ (Alexandre De Rhodes)  phụ trách các tỉnh Quảng nam, Bình định, Phú yên.
     Ngày 15-01-1644, cha Ðắc lộ gửi thầy I-nha-xô và thầy Vinh-sơn đi ra các tỉnh phía bắc Trung Việt (Thừa thiên, Quảng trị, Quảng bình). Thầy I-nha-xô (tên thánh, không rỏ tên Việt) sinh năm 1610 tại làng Liêm công, miền Cửa Tùng. học thức rộng, thông sử ký, được bổ nhiệm một chức tại phủ Tổng Trấn tức dinh ông Hoàng Khê. Ông Hoàng Khê là con của bà Minh Ðức Vương Thái Phi, vợ lẽ chúa Nguyễn Hoàng. Năm 30 tuổi, thầy I-nha-xô theo đạo Công giáo do cha Ðắc lộ rửa tội. Hai năm sau, Thầy từ chức quan  để gia nhập đoàn  Thầy Giảng gồm 9 người, Thầy được cử làm Trưởng đoàn. Thầy I-nha-xô đã rửa tội cho 293 người, nhưng chính trong quê hương làng xã của mình, I-nha-xô chỉ rửa tội được cho bà mẹ và bà cố của Thầy đã 80 tuổi.
     Ngày 16-7-1645, đoàn Thầy Giảng bị bắt, thầy I-nha-xô và thầy Vinh sơn bị xử tử hình, 7 thầy còn lại mỗi người bị chặt mất một ngón tay, vào thời chúa Công Thượng Vương.
     Qua đoạn Giáo sử (tóm lược) nói trên, có thể quyết đoán  vùng Vĩnh linh đã được truyền giáo dưới thời linh mục Perdo Mattos, đồng thời có các thầy trong đoàn Thầy Giảng do thầy I-nha-xô Trưởng đoàn cùng giảng đạo ở đây do cha Ðắc lộ gửi đến vào ngày 15-01-1644.
     Qua 310 năm (1644-1954) truyền giáo, người công giáo  vùng Vĩnh linh chịu nhiều gian nguy khổ nạn do nhiều đạo dụ của các triều đại  Cảnh Thịnh (Tây sơn), Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức (Nhà Nguyễn).
    
     Vụ khủng bố ngày 6 tháng 6 năm 1838
     Lúc sáng sớm, một toán lính của huyện Vĩnh linh xông vào làng Di loan lục soát tìm bắt cha Candall, Giám đốc Tiểu chủng viện, nhưng linh mục đã trốn thoát được. Quân lính bèn lùng bắt giáo dân ở vùng nầy, đa số chạy thoát được, một số bị bắt và bị hăm dọa tra tấn, mục đích để buộc giáo dân bỏ đạo`và khai báo chỗ ẩn náu của cha Candall. Vì sợ chịu không nổi cực hình nên số bị bắt tuân lệnh xuất giáo. Duy chỉ chú TômaTrần văn Thiện, một chủng sinh Tiểu Chủng viện An ninh, sinh năm 1820 tại làng Trung quán tỉnh Quảng bình, đã không chịu bỏ đạo, bị dẫn về thị xã Quảng trị và chịu tra tấn rất dã man. Ngày 18-9-1838, vua Minh Mạng châu phê bản án tử hình . Ngày 21-9-1838, chú Thiện bị lính triều đình  thắt cổ  “Tử Vì Ðạo”  tại pháp trường làng Nhan biều, tỉnh Quảng trị.
     Vụ Văn thân tàn sát người Công giáo năm 1885
     Biến cố chính trị dẫn đến vụ tàn sát người có đạo Công giáo :
     Vua Tự Ðức không con, lập di chiếu  chọn Ưng Chân con của Thụy Thánh Vương Hồng Y lên nối ngôi và cho gọi ba ông Trần tiển Thành, Tôn thất Thuyết và Nguyễn văn Tường  vào để ký thác tự quân. Ngày 16-7-1883 vua Tự Ðức băng hà, ngày 19-7-1883 làm lễ tấn tôn Ưng Chân lên ngôi lấy hiệu là Dục Ðức. Ba ngày sau đó, hai ông Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết phế vua Dục Ðức, bắt giam vào ngục, bỏ đói đến chết. Quan Ngự sử Phan đình Phùng lên tiếng chỉ trích liền bị hai ông Tường và Thuyết cho lính trói lại và hạ ngục. Các quan trong triều khiếp sợ không ai dám hó hé nửa lời.
     
                  “Thấy  lời ai nấy sởn ghê,
                  Sốt gan Tường Thuyết truyền đè xiềng ngay “   (Hạnh Thục ca)
     Từ đó hai ông Tường và Thuyết lộng quyền lấn át triều đình, tôn em ruột vua Tự Ðức là Hồng Dật lên làm vua hiệu là Hiệp Hòa vào ngày 2 tháng 6 năm Quí Mùi (1883). Vua thấy hai ông Tường và Thuyết lộng quyền nên bí mật tìm cách loại bỏ hai Ông. Việc bị lộ, hai Ông sai người giết vua Hiệp Hòa vào đêm 29 tháng 10 năm Quí Mùi (1883).
     Giết xong vua Hiệp Hòa, hai ông Tường và Thuyết tôn người con nuôi thứ ba của vua Tự Ðức là Kiến Phước lên làm vua vào ngày 3 tháng 11 năm Quí Mùi (1883). Kiến Phước làm vua được 8 tháng thì mất, nghi là bị đầu độc. Hai Ông đưa Ưng Lịch 14 tuổi lên làm vua vào ngày 01 tháng 8 năm 1884, hiệu là Hàm Nghi. Nhà vua còn nhỏ, chỉ ngồi làm vì, mọi việc triều chính đều do hai ông Tường và Thuyết định đoạt. Về đối ngoại, hai Ông đã thiếu khôn khéo trong cách ứng xử với tòa Khâm sứ Pháp đang có nhiều hành vi sách nhiễu, hống hách và cho tổ chức các cuộc tập trận để diễu võ dương oai làm xáo động kinh thành Huế. Nhóm người Pháp ở đây lộng hành, ỷ sức mạnh hiếp đáp quan chức của chính phủ ta, đòi triều đình phải nạp chiến phí trị giá 20.000 thoi vàng, 200.000 thoi bạc và 200.000 quan tiền.
     Ðêm 4 tháng 7 năm 1885, lợi dụng lúc Pháp tổ chức dạ tiệc, ông Tôn thất Thuyết cho lệnh tấn công đốt cháy các trại ở Tòa Khâm, đánh vào đồn Mang cá, đại bác từ các pháo đài ta trên cửa thành bắn sang làm cho Tòa Khâm sập gần hết,  nhiều quan binh Pháp chết, mãi đến gần sáng quân Pháp mới củng cố được và phản công, nã đạn pháo và tấn công vào Thành Nội. Quân ta kháng cự mạnh mẽ nhưng vì khí giới kém nên rút lui và tan rã dần. Quân Pháp tiến vào đốt cháy bộ Binh và bộ Lại. Dân chúng trong thành chạy tán loạn, bị lính Pháp tàn sát dã man. Hai quan phụ chánh Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết thấy thất bại,vội phò vua Hàm Nghi và tam cung chạy ra phía Kim long rồi đi mãi ra Quảng trị.
     Việc hai ông Tường và Thuyết đánh Pháp, lưỡng cung và vua Hàm Nghi chẳng biết một tí gì. Sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, thấy quân ta bại trận, ông Thuyết mới tâu lên Hoàng Thái hậu, Bà đành lên kiệu rời kinh thành. Tiếp đó, ông Thuyết vội giục vua Hàm Nghi xuất sơn, lúc đó vua còn nhỏ chẳng biết gì, không chịu đi và nói  “Ta có đánh với ai đâu mà chạy”. Ông Thuyết không nói, sai lính vực vua lên kiệu, thoát nhanh lên Kim long.
     Cảnh vua quan triều đình Huế chạy loạn thật thê thảm. Gần 10.000 người, nam phụ lão ấu, trong đó có nhiều ông hoàng bà chúa xưa nay sống trong cung điện, nay phải kéo lê đôi chân vất vưởng vật vờ trên đường chạy loạn, chịu không nổi cảnh khổ nên sáng ngày 9 tháng 7 năm 1885 phải trở về Huế.
     Riêng vua Hàm Nghi buồn bã theo ông Tôn thất Thuyết ra Tân sở thuộc huyện Cam lộ, tỉnh Quảng trị. Tại đây, ông Tôn thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra một chiếu thư gọi là “Hịch Cần Vương”. Tờ hịch có đoạn như sau : “.....Trước hết phải bài trừ bọn giáo dân để thắng quân Pháp sau nầy, vì chính những giáo dân nầy đã cùng với giặc Pháp cấu kết phản lại ta. Cuộc tập công đêm 22 rạng 23 tháng 5 năm Ất Dậu đã giết được một số lớn giặc Pháp, tuy nhiên dân chúng vì quá đông cũng chết rất nhiều. Nay lúc Nguyễn văn Tường thay lòng đổi dạ trốn vào nhà giáo Kim long ..... Tường lại theo giặc đối đầu, lại mạo chữ ký của Thái Hậu để dụ ta.....”
     Lúc vua Hàm Nghi còn ở Tân sở (Quảng trị) thì ông Nguyễn văn Tường ra đầu thú Pháp. Còn ông Tôn thất Thuyết đem vua ra căn cứ địa Ấu sơn thuộc làng Phú gia, Hương khê, tỉnh Hà tịnh, để hai con trai lại phò vua, còn Ông trốn sang Trung hoa cầu viện. (Theo sách 13 Vua Nhà Nguyễn).
     Hịch Cần vương  được ban hành khi vua Hàm Nghi mới 15 tuổi, chính ông Tôn thất Thuyết là tác giả. Nội dung hịch : Kể tội giặc Pháp, hô hào cả nước  chống giặc Pháp và bài trừ bọn giáo dân.
   
      Việc chống giặc Pháp
 Tháng 8 năm Bính Thân (1856) là năm Tự Ðức thứ 9, quân Pháp bắn phá các đồn lũy của ta ở Ðà nẳng rồi bỏ đi. Pháp thực sự đánh chiếm Việt nam khởi từ tháng 7 năm Mậu Tuất (1858) là năm Tự Ðức thứ 11, quân Pháp vào Ðà nẳng hạ thành An hải và thành Tôn hải. Sau đó chiếm Gia định, Ðịnh tường, Biên hòa, Vĩnh long, rồi toàn bộ Nam kỳ, dần dần thôn tính Bắc kỳ. Sau đó đặt nền đô hộ theo hòa ước năm Quí Mùi (1883).
     Vua Tự Ðức  tự phê trong suốt 36 năm trị vì như sau :”.... Ôi! dốt nát mà quen sống yên ổn, mong muội mà ở chốn nhà cao cửa rộng, chẳng biết phòng bị, tôi tài tướng giỏi cũng đã tàn tạ hơn phân nủa.....Các triều đại dày công khó nhọc mở mang đất đai, bỗng nhiên một sớm thấy giao cho địch ..... Nhưng không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta.....”
     Cuộc xâm lăng của Pháp kéo dài 27 năm, từ 1856 là năm Pháp đánh phá Ðà nẳng đến năm 1883 là năm triều đình Huế ký hòa ước nhận sự bảo hộ của Pháp. Trong hai mươi bảy năm, triều đình đã không lo tái tổ chức quân đội và huấn luyện quân sĩ chống ngoại xâm. Bởi vậy tình hình ngày càng nguy cấp, vua quan giữ lấy thói cũ, bài bác các đề nghị canh tân để phú quốc cường binh hầu bảo vệ đất nước. Năm Bính Dần (1866) là năm Tự Ðức 19, ông Nguyễn trường Tộ, một người công giáo, dâng mấy bài điều trần, kể hết tình thế nước mình, rồi xin vua phải mau mau cải cách mọi lãnh vực thì không mất nước. Triều đình cho là nói càn. Ông còn đề ra kế hoạch đánh úp Tây, nhưng vua quan chẳng nghe. Linh mục Ðặng đức Tuấn dâng lên vua  bản điều trần “Hoành Mao Hiến Bình Tây” ( Sách lược đánh giặc Tây), Vua xem rồi bỏ qua. 
     Bài trừ ‘bọn giáo dân’
 Vua Minh Mạng trước lúc lên ngôi đã tuyên bố “Ta ghét đạo của người Âu châu. Ta sẽ cấm và trừ cho triệt đạo ấy” (Louvet: La Cochinchine religieuse). Sau 5 năm lên ngôi trị vì, năm 1825, vua ra dụ cấm đạo. Ngày 6-01-1833, vua ra sắc dụ cấm đạo toàn quốc. Tiếp theo sau là các sắc dụ cấm đạo ban hành năm 1836 và 1838. Năm 1841 vua Minh Mạng chết vì bị té ngựa. Các vua Thiệu Trị và Tự Ðức kế vị cũng ra nhiều đạo dụ cấm đạo. Nhiều giáo sĩ và giáo dân bị xử tử, trong đó có một số quan quân của triều đình như ông Ðội Tống viết Bường,v.v...  Các vị đã từng tuyên bố “Tôi sẵn sàng đi đánh Tây nhưng không thể bỏ đạo”. Vua quan bắt bớ, tra tấn, hành hạ, tù đày, chém giết, nhưng người công giáo vẫn cầu nguyện cho vua quan trong mỗi buổi kinh sáng chúa nhật: “Xin Chúa lòng lành phù hộ cho đức vua chúng tôi cùng các quan văn võ quần thần, nhất là quan nhậm xứ nầy, thảy đều an trị ...” Khi tra tấn, đánh đập, kềm kẹp. họ vẫn chịu dựng, không than van, khi xử tử họ chết vui vẻ hiền lành, chết trong lời cầu nguyện. Họ trung tín với Thiên Chúa và trung thành với vua cho đến chết. Họ không phản quốc, không chống vua, không bán nước, không phạm tội hình sự. Thế mà vua quan ta lại nhẫn tâm giết hại người công giáo Việt nam, con dân của mình. Họ chết chỉ vì không chối bỏ đạo.
     Trong lúc quốc gia lâm nguy, thực dân Pháp đang xâm chiếm đất đai, thay vì phải nổ lực tạo đoàn kết, chống ngoại xâm, vua quan ta lại đi tróc nả chém giết giáo dân vô tội, gây chia rẽ và gieo hận thù trong nhân dân. Lỗi ấy vua Tự Ðức đã tự phê:  “.....Bỗng nhiên một sớm thấy giao cho địch.....Nhưng không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta.....” 
     Xin trở lại Hịch Cần Vương : Hịch được ban ra, lập tức các bậc khoa bảng (gọi là Văn thân) triệu tập nghĩa sĩ, rèn đúc gươm giáo, thay vì đi giết giặc Pháp họ lại phất cờ gióng trống đi giết người có đạo Công giáo, đồng bào với họ.
     Tại vùng Vĩnh linh (Cửa Tùng, Quảng trị) giáo hạt Ðất Ðỏ, trong ngày 06-09-1885, Văn thân thăm dò quanh các họ đạo và bắt đầu tấn công vào 2 ngày sau đó :
      Ba họ (giáo xứ) Gia môn, Cao xá và An lộc: Buổi sáng ngày 08-09-1885, quân lính Văn thân xông vào cướp của đốt nhà, lùa giáo dân vào nhà thờ, chất rơm đốt, thiêu sống khoảng 500 giáo dân Gia môn. Hai họ Cao xá  và An lộc gồm khoảng 60 giáo dân cũng bị chết thiêu cùng lúc với Gia môn.
     Hai họ Ba ngoạt và Hòa lạc : Nghe tin Văn thân sắp sửa tàn sát công giáo Ba ngoạt, linh mục chánh xứ là cha Thới chạy trốn ở Quảng bình, giáo dân bơ vơ kinh hải. Ngày 8-09-1885, có độ 150 người Ba ngoạt và độ 60 người Hòa lạc chạy ra Quảng bình trốn trong lúc Văn thân giục trống liên hồi, tràn vào Hòa lạc cướp của giết người, đốt nhà giáo dân và nhà thờ. Tiếp đó, Văn thân càn quét giáo xứ Ba ngoạt, lùng sục của cải, đốt nhà, chém giết khoảng 400 giáo dân cuả hai giáo xứ nầy. 
     Họ nhánh Liêm công : Sau khi tàn sát xong các họ đạo Cao xá, Gia môn, trên đường di chuyển về đánh phá Di loan, quân lính Văn thân đã chém giết vài chục giáo dân Liêm công, một họ nhỏ nằm trên trục giao thông Chợ Huyện - Cửa Tùng.
      Họ An do Tây : Tàn sát xong Liêm công, quân Văn thân kéo đến An do Tây giết  hại khoảng 15 giáo dân.
      Bốn họ An bằng, An lễ, An ngãi và An trí : Trước khi tấn công Di loan, quân lính Văn thân  lùng sục họ đạo An bằng, bao vây nhà thờ, dùng mác đâm chết  khoảng bốn, năm chục giáo dân. Ðốt nhà dân và nhà thờ. Ba họ An lễ, An ngãi, An trí  cũng đồng thời bị Văn thân tàn sát độ 150 giáo dân vào ngày 08-09-1885.
     Hai họ Loan lý và Hòa ninh : Hai giáo xứ nầy liên cư với Di loan,  vì vậy, khi Văn thân tấn công Di loan thì đồng thời cũng tàn sát hai họ nầy vào ngày 10-9-1885. Chủ đích của quân Văn thân là giết người có đạo, cướp của và đốt phá nhà dân và nhà thờ. Khoảng 50 giáo dân họ Loan lý bị lùa đến một vùng đất trống, bắt đào hào rồi xô giáo dân xuống hào, lính Văn thân đứng trên bờ hào dùng lưỡi đòng đâm từng nạn nhân rồi rải rơm lên đốt. Sau khi tình hình đã tạm ổn, những giáo dân sống sót hồi cư đã xây tại nơi hành quyết nầy một  “Lăng Tử Vì Ðạo”. Họ Hòa ninh cũng gần 50 giáo dân bị giết, nhà cửa bị thiêu đốt hoàn toàn.
     Họ Di loan : Từ ngày tàn sát giáo dân các họ Gia môn, Cao xá, An lộc, Ba ngoạt, Hòa lạc, Liêm công, An do tây, An bằng, An lễ, An ngãi, An trí, Loan lý và Hòa ninh, đội quân Văn thân đã chém giết gần 1300 giáo dân, họ chịu chết mà không chống cự lại.    
      Nhưng khi đến tấn công Di loan và An ninh, quân Văn thân gặp sức kháng cự mảnh liệt. Di loan là một làng công giáo toàn tòng có từ lâu đời, hương chức trong làng đều có đạo. Di loan có chung ranh giới với làng Tùng luật, một làng toàn lương, dân tình hiền hòa, giữa hai làng không có hận thù gì, nhưng khi được Văn thân khích động, cổ võ và tuyên truyền rằng Di loan và Tiểu chủng viện An ninh có nhiều của cải, tấn công vào, ai muốn lấy gì tùy sức. Văn thân vừa dọa nạt vừa khuyến dụ nên một số dân làngTùng đã a tòng theo Văn thân, đàn ông cầm giáo mác, đàn bà thì triêng gióng thúng mủng đi theo lính Văn thân để hôi của.
     Ngày 08-09-1885, Văn thân vây đánh Di loan, chém giết một số giáo dân nhà ở rìa làng, nhưng khi tiến sâu vào làng, bị giáo dân kháng cự mảnh liệt, Văn thân rút lui.
     Ngày 09-09-1885, Văn thân tái chiến, giáo dân xuất kích đuổi đến làng Tùng luật.
     Ngày 10-09-1885, Văn thân đánh lần thứ ba, giáo dân phản công kịch liệt, quân Văn thân rối loạn hàng ngũ phải tháo chạy.
     Ngày 12-09-1885, đội quân Văn thân được tăng viện quân số và vũ khí. Trong khi Di loan kháng cự suốt bốn, năm ngày, một số giáo dân bị thương hay tử thương, một số trốn thoát ra Ðồng hới (Quảng bình) hay Huế, vì thế số chiến hữu bị giảm sút. Về mặt chiến thuật cần có vị trí vững chắc, địa thế thuận lợi, có đủ lương thực và đông chiến hữu, vì vậy, linh mục Ðăng (Dangelzer) chính xứ Di loan quyết định di chuyển hơn 1.000 giáo dân Di loan, gồm mọi thành phần nam phụ lão ấu, tập trung về Tiểu chủng viện An ninh.
     Ngày 13-09-1885, tấn công lần nữa vào Di loan nhưng chỉ thấy vườn không nhà trống, Văn thân liền phá bình địa Di loan, thiêu hủy tất cả nhà dân, nhà thờ, cướp toàn bộ của cải, thóc gạo, áo quần, trâu bò, heo gà...
     Họ An ninh và Tiểu chủng viện An ninh : Ngày 10-09-1885,  Văn thân đánh Di loan nhưng thất bại, họ lui về đánh Tiểu chủng viện An ninh, không thắng, trên đường rút lui họ đốt nhà thờ An ninh, rượt bắt và chém giết nhiều giáo dân. Quân Văn thân còn tấn công mấy lần nữa nhưng đều thất bại.
     Trong khoảng thời gian nầy, một thuyền từ một giáo xứ ở Ðồng hới (Quảng bình) vào  Cửa Tùng, cập bến Di loan, chuyển đến Tiểu chủng viện An ninh 2 súng tiểu thần công, 4 súng nạp đạn tiền và một số đạn dược.
     Về phía  Văn thân, ngày 18-09-1885, sau khi nhận được khí giới , đạn dược và lính từ Cùa (Cam lộ, Quảng trị)  tăng viện và huy động một số dân Tùng luật và các làng lân cận tham gia, số quân lên khoảng 3000 người, Văn thân chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào Tiểu chủng viện An ninh với hỏa hổ, giáo mác, súng thần công, súng trường, quyết một trận thư hùng, dứt điểm ổ kháng cự cuối cùng ở Tiểu chủng viện nầy và san bằng các làng công giáo vùng Cửa Tùng.
     Phía Tiểu chủng viện An ninh, linh mục Hòa (Girard), Giám  đốc Tiểu chủng viện với sự giúp sức của linh mục Ðăng từ Di loan đến, 5 linh mục khác và 7 chủng sinh đã vạch kế hoạch phản công với 800 chiến hữu cường tráng trang bị bằng giáo mác sẳn sàng quyết tử khi có lệnh xuất kích. Riêng nữ giới chuẩn bị nước để dập tắt các đám cháy do Văn thân sử dụng hỏa hổ đốt phá hàng rào nơi chiến hào. Người giáo dân lúc nầy ý thức rằng: chống cự được thì sống còn, nếu thất bại thì tiêu vong mấy ngàn sinh mạng.
     Chiều hôm ấy, 18-09-1885,  một buổi chiều quyết định sự thắng bại tồn vong của đạo Công giáo vùng nầy, bởi Văn thân quyết tâm làm cỏ, nhổ sạch, không còn một tên công giáo sống sót ở đây. Quân Văn thân bao vây tứ phía, la hét ầm ĩ, xông tới chiến hào, hỏa hổ sắp khạc lửa đốt cháy hàng rào, quân lính toan vượt chiến hào tràn ngập cứ điểm để tiêu diệt toàn bộ người có đạo tại Tiểu chủng viện An ninh.
     Giờ quyết định đã điểm, ba tiếng trống lệnh vừa dứt, các cửa chiến hào lập tức đồng loạt mở tung, 800 chiến hữu công giáo trang bị giáo mác đồng loạt ào ạt xung kích tốc chiến, súng thần công từ trong Tiểu chủng viện bắn ra yểm trợ. Ðội quân Văn thân, một đội quân ô hợp, khiếp đảm tháo chạy, để lại 2 súng thần công, 2 súng trường, hỏa hổ, đạn dược và một thùng lương thực. Trận nầy, phía giáo dân mất 10 chiến hữu, địch thiệt 85 mạng.
     Sau trận nầy, Văn thân còn tái chiến nhiều lần nữa, nhưng càng đánh càng thua, để lại 30 tử vong, 3 súng thần công, 1 súng phá lũy, 6 súng trường, nhiều giáo mác, 7 cái cáng, 1 con ngựa, nhiều đạn dược, hỏa hổ và 1 ấn tín của cấp chỉ huy.  
     Ngày 02-10-1885, quân Pháp dẹp loạn, đánh đại đồn Văn thân ở Tân trại. Gần 3000 quân Văn thân tháo chạy. Chính quyền vãn hồi an ninh, tái lập  trật tự. Chấm dứt tình trạng hỗn loạn.
     Sau một tháng bị bao vây, 7 lần chống cự quyết liệt, 800 chiến hữu công giáo đối đầu với  khoảng gần 3000 quân lính của Văn thân. Kết cuộc, Văn thân bị 200 tử thương, khoảng 1300 giáo dân Vĩnh linh bị giết dọc đường, tại nhà hay tại nhà thờ vào lúc Văn thân mới nổi dậy.
   
     Tài kiệu tham khảo :  -Việt nam Sử lược của Trần trọng Kim.
                                    -Việt nam Giáo sử của LM.Phan phát Huồn.
                                    -Một Trang Huyết Lệ Trong Lịch Sử Tỉnh Quảng Trị của Jabouille,nguyên Công sứ Pháp tại tỉnh Quảng trị.
                                     -Mười Ba Vua Nhà Nguyễn của Thi Long.
                                     -Vè Văn Thân của ông Dương Viên.
   
      Sau khi  an ninh được vãn hồi, giáo dân lần lượt trở về nhà đã bị đốt cháy, chôn cất hàng chục, hàng trăm  tử thi của đồng đạo trong giáo xứ bị Văn thân giết và lo tạo dựng lại cơ nghiệp.
     Sau vài chục năm vất vả, người công giáo Vĩnh linh xây cất thánh đường bằng gạch ngói thay cho nhà thờ tranh tre, xây dựng trường học giáo lý, nhà cha sở, hội quán, may sắm cờ phướn, lập hội hát (ca đoàn), đội trống, hội Nghĩa binh Thánh Thể, tổ chức các cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, kiệu Môi khôi, kiệu lễ Ðức Mẹ Mông triệu Thăng thiên,v.v...
     Cuộc hành trình trên 350 năm gian khổ với những chứng tá khí phách anh hùng : Thầy Giảng I-nha-xô người Liêm công Tử Vì Ðạo năm 1645, Thánh Tô-ma Thiện, chủng sinh An ninh, Tử Vì Ðạo năm 1838 và gần 1300 giáo dân hạt Ðất Ðỏ bị Văn thân thảm sát Tử Vì Ðạo năm 1885. Máu các vị Tử Vì Ðạo đã thấm sâu vào mạch đất nầy nảy sinh nhiều hoa trái tốt đẹp cho Giáo hội nói chung và Giáo phận Huế nói rìêng.
     Quá trình xây dựng và phát triển trong khoảng 50 năm an bình (1888-1945), vùng đạo Vĩnh linh được tổ chức thành Giáo hạt, gọi là “Giáo Hạt Ðất Ðỏ”. Mang tên “Ðất Ðỏ” vì thổ nhưỡng địa phương nầy nhiều đất đỏ bazan (6.950Ha trong tổng diện tích 627 Km2 toàn huyện).
     Giáo hạt Ðất Ðỏ có các Tu viện và các Giáo xứ sau đây : Tiểu Chủng viện An ninh,  Phước viện Mến Thánh giá Di loan, Ðan viện Xi-tô Phước sơn và các Giáo xứ: An bằng, An do đông, An do tây, An lễ, An lộc, An ngãi, An ninh, An trí, Ba ngoạt, Cao xá, Cổ trai, Di loan, Gia môn, Hòa ninh, Loan lý, Phan xá, Phước sơn, Quảng xá, Thủy ba.  Ba Tu viện,19 giáo xứ với khoảng trên 10.000 giáo dân, một con số tương đối cao (30%) so với dân số huyện Vĩnh linh vào năm 1945 có khoảng 30.000 người trong tổng số toàn quốc 20 triệu đồng bào thời bấy giờ.
     Các Tu Viện
    
     *Tiểu Chủng viện An ninh, còn gọi là Nhà trường An ninh, tọa lạc trên một khu đất khá rộng và quang đảng tại làng An ninh. Theo sách Hành Hương của ông Trần quang Chu: “Năm  1783, Ðức cha Gioan Labartette thành lập Tiểu chủng viện ở Di loan. Tháng 8-1798 vua Cảnh Thịnh (Tây sơn) bắt đạo nên chủng viện phải giải tán. Năm 1801, Nguyễn Ánh phục quốc, năm 1802 lên ngôi hoàng đế lấy hiệu Gia Long, đem gia quyến và hoàng tử Ðảm (10 tuổi, sau nầy nối ngôi hiệu là Minh Mạng) ra thăm quê ngoại ở làng Cổ trai (kế làng An ninh). Dịp nầy, để tỏ lòng biết ơn Ðức cha Pigneau (Bá đa lộc), Nguyễn Vương đã dành cho Ðức cha Gioan Labartette một cuộc viếng thăm kính trọng và bất ngờ. Dịp nầy Nguyễn Vương ban cho Ðức Cha một sở đất  quang ánh và rộng rải tại làng An ninh để xây dựng chủng viện”.

     Tiểu chủng viện An ninh là nơi đào tạo linh mục trong giai đoạn 8 năm đầu, sau đó vào học ở Ðại chủng viện Huế 6 năm rồi mới thụ phong linh mục. Tiểu chủng viện An ninh cũng giúp giáo huấn chủng sinh cho Giáo hội Công giáo Lào. Một ít chủng sinh thụ giáo ở đây sau nầy nổi danh như Ðức cha Hồ ngọc Cẩn, Giám mục Giáo phận Bùi chu; Ðức cha Ngô đình Thục, Giám mục Giáo phận Vĩnh long và Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Ðức cha Lê hữu Từ, Giám mục Giáo phận Phát diệm;  Ðức cha Nguyễn văn Hiền, Giám mục Giáo phận Sài gòn và Ðà lạt; Ðức Hồng y Nguyễn văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha trang, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài gòn, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình Tòa thánh Vatican; Ðức cha Nguyễn như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Linh mục Nguyễn văn Thích, giáo sư Hán văn  và Triết học Ðông phương tại Ðại học Huế, Ðà lạt và Sài gòn; Linh mục Nguyễn văn Lập, Viện trưởng viện Ðại học Ðà lạt. Một ít chủng sinh rời chủng viện sau nầy dấn thân vào đời cũng xuất chúng, như : Ông Ngô đình Khả, học ở Tiểu chủng viện An ninh sau đó chuyển đến Chủng viện Pénang (Mã lai), Thượng thư bộ Công. Ông được người đời truyền tụng “Ðày vua không Khả, đào mã không Bài” (Năm 1907, Thượng thư Ngô đình Khả phản đối việc lưu đày vua Thành Thái sang đảo Réunion. Năm 1908  Thượng thư Nguyễn hữu Bài chống kịch liệt Khâm sứ Mahé (Pháp) đòi khai quật mộ vua Tự Ðức để lấy vàng ngọc). Ông Ngô đình Khả là người đã vận động thành lập trường Quốc học Huế, niên khóa đầu tiên 1896-1897 vua Thành Thái đích thân chủ tọa. Ông cũng là người vận động thành lập một tư thục cho con em lương giáo, lấy tên là trường Pellerin Huế, khai giảng khóa đầu tiên năm 1904 do sư huynh dòng Lasan điều khiển. Ông Nguyễn hữu Bài, Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ sung Cơ mật viện Ðại thần dưới triều vua Khải định. Ông được người đời truyền tụng “Ðày vua không Khả, đào mã không Bài”….
    
     Tiểu chủng viện An ninh có một cơ ngơi bề thế gồm 2 dãy nhà lầu làm nơi ở và học cho các giáo sư và chủng sinh, 1 nhà thờ chính, 1 nhà thờ nhỏ gọi là nhà thờ Ðức Bà và 1 gọi là nhà thờ Thánh An-tôn, nhà chơi, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, lẫm lúa (kho thóc), v.v.. Vua Khải Ðịnh đã một lần tới thăm và ban cho Tiểu chủng viện nầy một bức hoành phi bốn đại tự “ Phụ Thế Trưởng Nhân “  
     Qua các biến cố dồn dập bắt đạo liên miên, đến thời an bình kiến thiết xây dựng tiếp đến thời kỳ chiến tranh tàn phá, Tiểu chủng viện An ninh tồn tại đến tháng 8 năm 1954 di cư, chuyển vào Huế. Vị Giám đốc cuối cùng của Chủng viện An ninh là cha An-rê Bùi quang Tịch, một linh mục thánh thiện và nhân đức. Khi bị ngứa không gãi, đau răng không dùng thuốc giảm đau, sống khổ hạnh, chịu đựng, khắc khổ. Khi về già ngài vào tu ở dòng khổ tu Xi tô Thủ đức.
   
      *Phước viện Mến Thánh Giá Di Loan : Phước viện có từ lâu, cơ sở bị Văn thân tiêu hủy hoàn toàn tháng 9 năm 1885, được linh mục Alfred Maria Eugenio Barthe Lémy (cố Mỹ) làm quản xứ Di loan vào năm 1887, đã cho tu tạo lại phước viện nầy. Sau năm 1918, linh mục Léopold Cadière (cố Cả) giúp củng cố và phát triển tu viện nầy. Phước viện Di loan sống âm thầm trong một khuôn viên khá rộng, cây cối rợp bóng quanh năm. Hằng ngày, các Dì Phước, luôn đi cặp đôi, đến các trường học giáo xứ để dạy giáo lý và khai tâm quốc ngữ miễn phí cho các em nhỏ, nhờ công khai trí nầy mà tất cả người công giáo hạt Ðất Ðỏ đều biết đọc chữ quốc ngữ. Các nữ tu lo tu hành  nhưng cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế, như sản xuất muối ăn, nuôi tằm, quay tơ, dệt lụa. Thuở ấy các loại vải nội hóa khổ ngắn, nhưng phước viện Di loan đã dệt thao, lụa khổ rộng như hàng ngoại hóa nhờ biết cải biến khung cửi (máy dệt bằng tay).  Hàng tơ lụa của Phước viện nầy  có thời đã nổi tìếng trên thị trường Ðông dương, gọi là “Hàng Tơ Lụa Cửa Tùng”. Hàng nầy còn xuất khẩu sang Pháp và quanh vùng Ðông Nam Á nữa. Phước viện cũng cung cấp các loại thuốc tây thay các loại cao đơn hoàn tán để trị các bệnh thông thường như cảm mạo, nhức đầu, đau bụng, ghẻ chốc,v.v...
     Sau ngày đất nước bị chia đôi, 01-08-1954, Phước viện Mến Thánh Giá Di loan  đã dời vào  thánh địa La vang, Quảng trị.
     * Dòng Xi tô Phước sơn : Linh mục Henri Denis, tên Việt là Cố Thuận, người  Pháp, giáo sư Tiểu chủng viện An ninh, năm 1918 thành lập dòng khổ tu “Ðan viện Xi tô” đầu tiên tại Việt nam trên khu đất hoang vắng thuộc tổng Thủy ba, phủ Vĩnh linh, bên rìa Trường sơn. Khoảng vài chục năm sau, Dòng nầy phát triển thêm dòng Châu sơn ở Phát diện (Bắc Việt). Năm 1949, vùng Phước sơn mất an ninh, ngày 26-04-1953, cha Bề Trên (người Việt), 2 Cha khác và 2 Thầy bị bắt giam tại mật khu Ba lòng, Quảng trị, Nhà Dòng bị Việt minh chiếm, các đan sĩ di tản vào Sài gòn và lập các đan viện mới như Phước lý ở Thủ đức, Phước sơn ở Phúc lộc (Bà rịa),Thiên phước ở Vũng tàu, Phước vĩnh ở Trà vinh (Miền Tây).
     Một vài Giáo xứ điển hình    
     Họ Di loan : Di loan vừa là tên giáo xứ vừa tên làng hành chánh. Theo Danh Sách Xã Thôn Trung Kỳ của Phủ Thủ Hiến Trung Phần Việt Nam thì làng nầy tên là  Di Luân thuộc tổng Hiền lương, phủ Vĩnh linh, tỉnh Quảng trị. Di loan là quê quán của Ðức cha Lê hữu Từ, Giám mục Phát diệm. Phong thổ Di loan khá đẹp, mặt tiền làng hướng về phía nam, nơi dòng Hiền lương (Bến hải) lững lờ chảy ra biển. Dọc bờ sông, tầng thấp làm ruộng muối, tầng cao ruộng lúa, đến một con đường khá rộng suốt từ đầu đến cuối làng. Sau con đường nầy là cư dân, nhà cửa vườn tược xanh tươi. Giữa làng, phía mặt tiền nhìn ra sông, một ngôi thánh  đường trang nghiêm cổ kính kiến trúc theo nghệ thuật gothique của châu Âu. Ngày lễ lớn và chúa nhật, ba chuông cùng đổ hồi dồn dập ngân vang khắp vùng hải ngạn Cửa Tùng. Cai quản họ đạo nầy là  linh mục Léopold Cadière, tên Việt là Cố Cả, thuộc hội Thừa sai Ba lê (Mission Étrangère de Paris), một học giả uyên bác, đến Việt nam năm 1892, giáo sư Tiểu chủng viện An ninh, Cửa Tùng 1893-1894, Quản xứ Di loan kiêm Quản hạt Ðất Ðỏ từ tháng 9-1918 đến tháng 3-1945, bị  Nhật bắt giam 5 tháng trong dịp Nhật đảo chánh Pháp tại Việt nam. Ngày 19-12-1946 bị Việt minh bắt đi an trí tại Vinh (Xã Ðoài) cho đến ngày đình chiến được trả tự do và về hưu trí  tại nhà Hưu dưỡng Tòa Giám mục Huế. Năm 1942. cố Cả mừng Kim Khánh  (50 năm linh mục) tại Di loan, dịp nầy được chính phủ Pháp  tặng Bảo Quốc Huân Chương  (Légion d’honneur) và huy chương khác của Chính phủ Nam Triều, bởi ngài là nhà bác học qua những công trình khoa học, văn hóa, xã hội.. Năm 1990, Chính quyền Hà nội đã vinh danh Lépold Cadière là “Nhà Huế Học” và “Nhà Việt Nam Học” do những công trình nghiên cứu  của ngài đã làm cho thế giới biết đến văn hóa, nghệ thuật và lịch sử Việt nam.
     Tháng 8 năm 1954, Di loan đã di cư vào Nam và định cư tại An đôn, Quảng trị, đến mùa hè đỏ lữa 1972, phân tán nhiều nơi trên lãnh thổ Việt nam Cộng hòa.
     Họ An ninh : An ninh là một làng công giáo toàn tòng. An ninh vừa là tên làng hành chánh vừa là tên giáo xứ. Còn có tên gọi khác là làng Phường, Họ Phường. Người An ninh tính tình hiền hòa. Nhà thờ họ nầy khá lớn, kiến trúc dáng vẻ cổ kính, mặt tiền trang trí hoa văn bằng mảnh kính mảnh sành của dĩa bát xưa đập vỡ. Nhà thờ An ninh  là nơi Giáo hạt Ðất Ðỏ tổ chức kiệu Mân côi (Môi khôi) mỗi năm với hàng ngàn giáo hữu từ nhiều giáo xứ , đoàn kiệu kéo dài hàng cây số, chuông, chiêng , trống đại, trống cà rầng, cờ phướn rợp trời.
     Hai họ Di loan và An ninh đã cung cấp cho Giáo hội nhiều giáo sĩ và tu sĩ.
     Họ An do Tây : Là  một làng công giáo toàn tòng. An do Tây là tên làng hành chánh vừa là tên giáo xứ. An do Tây có một Hội Hát (Ca đoàn)  có vẻ chuyên nghiệp, hát la-tinh với đàn phong cầm (orgue) khá hay, có đội Nghĩa Binh Thánh Thể rất linh hoạt. Nhà thờ An do tây có tháp cao vút tưởng chừng như thấu từng mây. 
     Họ Ba Ngoạt : Là một giáo xứ lớn, đông giáo dân của ba làng Ba bình, Bình đức và Hòa lạc  thuộc tổng Hồ xá phủ Vĩnh linh hợp thành. Người giáo dân Ba ngoạt tính tình hiền hòa chân thật, giữ đạo sốt sắng, trung kiên, là nơi cung cấp cho giáo hội nhiều  linh mục và tu sĩ nam nữ. Di cư 1954, Ba ngoạt định cư tại  La vang Trung. Mùa hè đỏ lửa 1972, La vang Trung tản mác nhiều nơi ở miền Nam Việt nam : Sông pha (Ninh thuận), Suối nghệ ((Bà rịa), Cam ranh (Khánh hòa), Bình tuy, Quảng biên (Biên hòa).....
     Hai họ Cao xá và An lộc : Cao xá có ngôi thánh đường đẹp, giáo dân  sống đạo đức, sốt sắng, kinh tế sung túc nhờ có nhiều ruộng. Cao xá là quê quán của cụ Nguyễn hữu Bài, Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ, sung Cơ Mật viện Ðại thần dưới triều vua Khải Ðịnh.
An lộc là họ nhánh của Cao xá, có nhiều ruộng tốt, dân số tuy ít nhưng phú túc, sống đạo trung kiên. Hai họ nầy thuộc tổng Xuân hòa, ở bờ nam sông Bến hải nên khỏi di cư 1954, nhưng trong chiến tranh 1960-1975, giáo dân hai họ nầy phải di tản đến tạm trú tại Hà thanh (Gio linh) và Cam lộ, đến mùa hè đỏ lửa 1972 phải phân tán đến định cư tại Suối nghệ (Bà rịa), Sông pha (Ninh thuận), Quảng biên (Biên hóa) .v.v...
     Bốn họ An bằng, An lễ, An ngãi, An trí : Có nhiều Nữ Tu ở dòng Mến Thánh Giá Phủ cam (Huế). Di cư 1954, định cư tại La vang hữu. Hè đỏ lửa 1972 phân tán đến nhiều địa phương khác như Phước long, Long khánh, Cam ranh (Khánh hòa), Suối nghệ (Bà rịa), Bình tuy, v.v...
   
      Họ Hòa ninh : Nơi cung cấp cho Giáo hội nhiều giáo sĩ và tu sĩ nam nữ. Giáo dân Hòa ninh có gốc từ ba làng : An du bắc, An ninh và Di loan. Di cư 1954 định cư tại La vang thượng . Hè đỏ lửa 1972 tản mác nhiều nơi như Suối nghệ (Bà rịa), Sông pha (Ninh thuận), Bình tuy,v.v.....
      Họ Loan lý : Trong số 19 giáo xứ thuộc Giáo hạt Ðất Ðỏ của Giáo phận Huế di cư vào tháng 8 năm 1954, 18 giáo xứ định cư tại Quảng trị đều tan rả do chiến cuộc mùa hè 1972, phân tán đến định cư tại các địa điểm “Khẩn hoang Lập ấp”  như Sông pha (Ninh thuận), Vĩnh linh (Cam ranh), Bình tuy, Quảng biên (Biên hòa), Bầu cá, Thái thiện (Long khánh)  hay các khu Dinh điền Phước long, Bình long, Tánh linh ,v.v... và nhập vào Giáo phận địa phương. Duy chỉ Giáo xứ Loan lý  tồn tại  đến nay tại Lăng cô thuộc Giáo hạt Hải vân, Giáo phận Huế.
     Loan lý trong thời kỳ sơ khai chỉ là một xóm đạo, sau phát triển thành họ đạo, có tên là họ Biện Hoản (Biện là một chức nhỏ phụ trách một số việc trong họ đạo, Hoản là tên của người phụ trách). Sau đó lấy tên chính thức là “ Luân lý” , theo sổ bộ viết bằng hán nôm  cuả Họ gọi là “Hội Giáo Luân Lý”.
     Theo niên lịch của Ðịa phận Huế từ năm 1945 trở lên trước, ở mục sinh quán và bổn sở (Họ phụ trách)  của các linh mục, năm thì ghi là Luân lý, năm khác lại là Loan lý.
     Giáo xứ Loan lý do giáo dân hai làng hợp lại : 2/3 giáo dân thuộc làng Di loan, mang dòng họ Hoàng, họ Lê; còn 1/3 giáo dân thuộc làng An du Bắc, mang họ Dương, họ Nguyễn và họ Phùng. Nói cách khác, ở Loan lý, những người mang họ Hoàng và họ Lê  là gốc làng Di loan, những ai mang họ Dương, họ Nguyễn, họ Phùng là gốc làng An du Bắc
     Loan lý còn tồn tại đến nay  là bởi khi di cư,  được linh mục Phan văn Cơ dẫn dắt đến định cư trên bãi cát Lăng cô dọc quốc lộ 1 dưới chân đèo Hải vân, nơi đây phong cảnh hữu tình, biển sâu, núi cao, đầm rộng, có nhà nghỉ mát của vua Bảo Ðại, của Linh mục già  Giáo phận Huế.
     Lăng cô cũng là địa điểm lịch sử : Khi vua Hàm Nghi bị bắt ở Hà tịnh được đưa về Thuận an (Huế), sau đó được chuyển xuống tàu vào Lăng cô, rồi từ Lăng cô Vua lên tàu La Comette vào Sài gòn. Từ Sài gòn xuống tàu  sang Alger. (Theo sách 13 Vua Nhà Nguyễn).
     Loan lý ban đầu được Cha Sở Di loan coi sóc, nhưng kể từ năm 1921, các Linh mục sau đây quản xứ :    
     
     Lm.Mathêô Nguyễn hữu Oai   1921-1923 
     Lm.Giuse Phạm văn Huấn 1923-1928
     Lm.Phêrô Nguyễn văn Giáo    1928-1930 
     Lm.Phêrô Ðổ khắc Tuế        1930-1936
     Lm.Giuse Nguyễn văn Kiểu     1936-1937 
      Lm. Ðôminicô Phạm văn Yến 1937-1941
     Lm.Phanx-Xavie Trương văn Lương 1941-1947 
     Lm Phan văn Ngãi (hưu trí)    1947-1948 
     Lm.Giacôbê Phan văn Cơ 1948-7/1954
    
     Kể từ Di cư tháng 8-1954 :

     Lm.Giacôbê Phan văn Cơ   1954-1957  
     Lm.Phêrô Trần văn Ðiển   1957-1958
     Lm.G-Baotixita Trương văn Thắng 1958-1963
     Lm.Phao lô Ngô văn Triệu  1963-1965
     Lm.Phanx-Savie Trần văn Cần 1965-1966      
     Lm.Tađêô Hồ bảo Huỳnh  1966-1969
     Lm.Phêrô Huỳnh văn Hóa  1969-1972  
     Lm.Giuse Ngô văn Trọng 1972-1975
     Lm.Anrê Nguyễn văn Trúc 1 tháng 
     Lm.Batôlômêo Nguyễn văn Phước 1975-1978
     Lm.Giuse Cái hồng Phượng 1978-2008.
     Nhờ sự hy sinh của toàn thể giáo hữu Loan lý và đặc biệt của một gia đình ân nhân, giáo xứ đã xây dựng một ngôi thánh đường khang trang vào năm 1995, thời cha Cái hồng Phượng làm quản xứ.
     Ơn Gọi của Giáo xứ Loan lý :
   
     *15 Linh mục :

Lm.Tôma Nguyễn văn Luật (1901-1972), Lm.Phê rô Hoàng Kính (1913-2007)
Lm.Giuse Hoàng Cẩn, Lm.An tôn Dương Quỳnh, Lm. Ðôminicô Nguyễn Tưởng, Lm.Hoàng Quốc, Lm.Hoàng Nhật, Lm.Hoàng Tuân, Lm.Hoàng Chỉ, Lm.Nguyễn Trần Vĩnh Linh (ở La ngà), Lm.Hoàng Sơn (ở Nha trang), Lm. Hoàng Thời (ở Mỹ), Lm.Phùng Chí (ở Mỹ), Lm.Nguyễn kim Phú (ở Mỹ), Lm. Gia Công, dòng Thánh Tâm Huế. Còn một số Giáo sĩ và Tu sĩ không được biết tên hiện ở Hoa kỳ và Úc châu.
     Các Nam Tu sĩ:Thầy Lôrensô Hoàng Trương và Thầy An phong Hoàng Nỉ, dòng Thiên an Huế.

     *Các Nữ Tu sĩ :

            Nguyễn thị Hiếu, Dương thị San, Mến Thánh Giá Di loan , đã qua đời
            Hoàng thị Thiệp, Hoàng thị Tu, Mến Thánh Giá Di loan, đã qua đời.
            Hoàng thị Pha, Mến Thánh Giá Tam tòa (Quảng bình), đã qua đời,
            Hoàng thị Máy, Mến Thánh Giá Tam tòa (Quảng bình), đã qua đời,
            Hoàng thị Ðủ, MTG Di loan, Maria Hoàng thị Lê, MTG Tam tòa, ở Italia,
            Madalêna Hoàng thị Hoàn, Mến Thánh Giá Huế,
            Matta Nguyễn thị Phiến, Mến Thánh Giá Huế,
            Maria Phùng thị Thức, dòng Phú xuân, Huế.

     Phần Kết
     Ðạo Công giáo hiện diện trên nước Việt nam từ năm 1596, đời chúa Nguyễn Hoàng. Tính đến năm 1954 chia đôi đất nước, di cư, thì Phúc Âm đã được rao truyền  ở Việt nam trên 350 năm, trải qua nhiều giai đoạn, lúc khó lúc dễ, khi bắt khi tha, nhưng khắc nghiệt và tàn ác nhất là dưới triều ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức đã ban hành các đạo dụ bài trừ đạo Công giáo, thực thi các cực hình rất tàn nhẫn như chém đầu, thắt cổ, xẻo thịt, kẹp da bằng kềm lửa, giam đói, tù đày, tra tấn, nung mảnh sành nóng khắc lên trán hai chữ tả đạo, tước đoạt hết nhà cửa, của cải của người có đạo.
     Trong 350 năm, cả nước có khoảng 3000 nhà thờ bị đốt phá và trên 100.000 người công giáo bị giết chết (theo Việt nam Giáo sử). Họ là những công dân nước Việt, không phản quốc, không chống vua, không phạm tội ác, họ bị giết chết chỉ vì tín ngưỡng họ theo không được triều đình chấp thuận. Họ chịu tử hình vì không bỏ đạo, không bước qua Thánh Giá. Họ chết cách hiền lành, không hận thù, chết trong lời cầu nguyện. Tháng 9 năm 1885, giáo dân Cửa Tùng chống lại quân Văn thân  với tính cách đề kháng để sinh tồn, để bảo vệ mạng sống, một sự tự vệ rất chính đáng chống lại chủ trương giết hàng loại, giết tập thể người công giáo hạt Ðất Ðỏ.
     Vì vận nước điêu linh, giang sơn nghiêng ngửa, Giáo hạt Ðất Ðỏ chung cảnh quốc họa, giáo dân Ðất Ðỏ di cư 1954 phân tán khắp nơi, từ các thành thị, làng mạc miền Trung và miền Nam Việt nam, sau 1975 di tản đến những phương trời xa thẳm nơi châu Âu, châu Úc, châu Mỹ ... Dù phiêu bạt nhưng nặng tình hoài hương và mang  niềm vui chung : “ Niềm Vui  Công Giáo “.
     Vui thích được làm người Công giáo,   
     Sống chung trong con tàu Giáo hội,
     Dù gặp bão tố hay phong ba,
     Chúa  làm cho sóng êm gió lặng.
     Dù bị khổ nạn hoặc tai ương,
     Chúa dang tay đoái thương nâng đỡ.
     Dù gặp lúc mất mùa, đói khổ,
     Chúa chăn nuôi, chẳng thiếu thốn chi !.
     Dù phong hủi  đui què câm điếc
     Chúa chữa lành. Cứ việc cầu xin !.
     Dù người đời chê khinh nhạo báng,
     Chúa xót thương vỗ về an ủi.
     Dù đàn áp bắt bớ tù đày,
     Chúa giúp cho can trường bất khuất.
     Dù thế gian  xảo quyệt phi luân,
     Chúa thương kẻ từ tâm lương thiện.
    Dù đời nầy nham hiểm gian manh,
    Chúa dạy sống hiền lành công chính.
   Dù gặp lúc âm u tăm tối,
   Chúa rọi soi ánh sáng lối đi.
   Dù lạc hướng sai nẻo nhầm đường,
   Chúa dẫn dắt về quê hương thật.
   Dù phải lên thác xuống gềnh,
   Chúa cho vượt nhẹ, căng buồm lướt êm.
   Con tàu Giáo hội cập bến,
   Ðưa người lữ khách đến bờ bình an.
   Thiên đàng một cõi thanh nhàn,
   Thảnh thơi vui hưởng muôn vàn vinh phúc.
  Dương Bỉnh -   Montréal, Thu 2008.    
  (http://ttntt.free.fr/archive/DuongBinh3.html )