HY SINH MẠNG SỐNG ĐẾN CÙNG ĐỨC TIN
Vào ngày 19 thánh 6 năm 1988 tại Rôma, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II, đã long trọng tôn phong 117 vị thánh anh hùng tử đạo tại Việt Nam.
Trong số các ngài có 96 vị người Việt nam và 21 vị thừa sai Nước ngoài.
Thực là một biến cố trọng đại và đầy niềm vui, vì đây là lần đầu tiên
Giáo hội tôn phong một số rất đông các thánh tử đạo, và nêu lên cho toàn
thể Giáo hội những con người đã không ngần ngại hy sinh mạng sống mình
để làm chứng cho Thiên Chúa và Đức Giêsu, làm chứng cho Đức tin mà các
ngài đã lãnh nhận với một lòng trung kiên bất khuất. Con số 117 vị tử
đạo chỉ là con số nhỏ của hơn 100 000 vị tử đạo tại Việt nam trong gần
300 năm dưới thời những vua quan Triều Nguyễn từ các thế kỷ 17, 18, và
19. Thực không có bút mực nào tả xiết những đau khổ và cực hình các ngài
đã chịu vì danh Chúa. Trong số các vị tử đạo, chúng ta phải kể đến
những giám mục, linh mục, tu sĩ nước ngoài và cả các vị Việt nam, ngoài
ra còn phải kể đến số đông những người giáo dân thuộc đủ mọi thành phần,
từ những người như trùm họ, chánh trương cho đến những giáo dân, những
người trong hàng ngủ quan triều đình hay binh lính.
Những tâm
tình của các thánh tử đạo là những tâm tình cao cả, của những con người
có trái tim hòa nhập với trái tim của Con Thiên Chúa làm người, đó là
những con người biết coi thường mạng sống, coi thường những danh lợi
trần gian, và khi đối diện với cái chết, các ngài không ngần ngại chọn
lựa dứt khóat thuộc về Thiên Chúa hơn là chút vinh quang trần thế. Thầy
giảng Anrê Phú Yên 19 tuổi, đã chịu tử đạo rất sớm vào năm 1644, với sự
chứng kiến của cha Đắc Lộ. Cái chết của thầy Anrê là một cái chết can
đảm, thầy bị lính dùng đòng đâm ba nhát thấu ngực, nhưng vẫn chưa chết.
Sau đó lính dùng mã tấu chém vào cổ đến hai nhát, đầu mới lìa khỏi cổ.
Cha Đắc Lộ, dòng tên đã gói chiếc đầu của thầy giữ lại cẩn thận, và liệm
xác thầy để gửi về Macau cất giữ như một báu vật của vị thánh tử đạo.
Phần 117 vị thánh tử đạo, bắt đầu là hai vị tử đạo đầu tiên vào năm 1745
tại Thăng Long miền Bắc, đó là hai cha thừa sai dòng Đaminh là các cha
Phanxicô Tế và Matthêu Dậu. Vị tử đạo cuối cùng là thánh Phêrô Đa, một
giáo dân làm nghề thợ mộc, chịu tử đạo ở Qua Linh. miền Bắc năm 1862.
Vào năm 1862, cuộc bách hại bùng lên ở miền Nam, hai nơi bị bách hại dữ
dội là Biên Hòa và Bà Rịa với số người bị thiêu sống lên tới 846 vị.
Các
vị tử đạo cảm nếm niềm vui chịu chết vì danh Chúa, nên trong thời gian
bị gông cùm tù tội, các ngài đã biết chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đối
diện với cái chết. Thời gian tù tội khắc khổ không làm các ngài sợ hãi
hay khiếp nhược, nhưng càng làm cho tinh thần các ngài mãnh mẽ hơn.
Thánh Anrê Dũng Lạc bình thản chờ đợi để đến ngày được phúc tử đạo, ngài
vui vẻ thốt lên những lời đầy hạnh phúc: “Đông qua tiết lại thời xuân
tới. Khổ tạm mai sau hưởng phúc an. Làm kẻ anh hùng chi quản khó. Nguyện
xin cùng gặp chốn thanh nhàn”. Trong số các vị tử đạo có những người
làm quan lớn trong triều đình như thánh Micae Hồ đình Hy, hơn ba mươi
năm phục vụ dưới ba triều vua, nhưng ngài đã không vì chút danh lợi trần
gian mà chối bỏ đức tin, quyết một lòng trung thành với Thiên Chúa cho
dù phải chịu chết. Trước những lời mềm mỏng và chiêu dụ của nhà vua,
ngài vẫn một lòng khẳng khái cương trực, từ bỏ mọi vinh hoa phú quí bổng
lộc của triều đình vì muốn trung thành và nên giống Chúa Kitô: “Tâu bệ
hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người
hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức
Kitô."
Có những vị rất trẻ tuổi như chủng sinh Tôma Thiện, tuy
trẻ tuổi nhưng đã bắt đầu cảm nếm niềm vui của phúc tử đạo, và đã có
những chọn lựa rất can đảm và sáng suốt. Quan lớn, vì thấy thầy còn quá
trẻ và khôi ngô tuấn tú, nên đã đưa ra những lời dụ dỗ và hứa hẹn nhiều
phần thưởng thế gian, nhưng Tôma Thiện vẫn cương quyết một lòng, không
chút sờn lòng trước những cám dỗ đường mật, thầy thẳng thắn trả lời với
quan: “Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết
chứ không bỏ đạo… Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến
quyền chức trần thế”. Có những vị linh mục truyền giáo cũng rất trẻ
tuổi, vừa mới được bề trên sai đến và đặt chân đến nước Việt nam xa lạ
thì bị bắt như cha thánh Theôphan Vena. Khi bị bắt và xét xử, quan chỉ
xin ngài bước qua thập giá thì được tha bổng. Nhưng bước qua thập giá dù
là một hành vi rất nhẹ nhàng để được bảo vệ mạng sống thì ngài đã cương
quyết từ chối tất cả mọi mưu mô khôn khéo của vua quan. Thánh Thêôphan
Vena đã cương quyết trả lời: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập
giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống
đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”. Có những trường hợp
lương tâm tế nhị và nan giải khi vua quan kết tội các ngài là theo Tây
và phản bội lại tổ quốc, nhưng các ngài đã chân thành giải thích biện
phân cách mạch lạc cho mọi người biết các ngài không hề phản bội tổ
quốc, cũng như không hề phản bội lại vua gì cả mà các ngài luôn nhìn
thấy sự thẳng thắn trong lòng tin trung kiên của mình. Các ngài vẫn một
lòng trung thành với tổ quốc khi các ngài yêu mến phụng sự Thiên Chúa là
Cha cao cả trên trời. Không hề bao giờ có thể vì trung thành với trung
phụ là vua trần thế mà phản bội lại với Thượng phụ là Cha trên trời:
“Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính
song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không
thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”. Ngay cả có những
vị là lính của triều đình như thánh Trần văn Trung, ngài phân biệt rất
rõ bổn phận vâng phục triều đình trong những điều đúng đắn như chiến đấu
chống quân thù và bổn phận vâng phục tuyệt đối với Thiên Chúa mà ngài
hằng yêu mến : “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất
nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ”.
Mừng lễ các thánh tử đạo
tại Việt Nam chúng ta tự hào là con cháu các vị tử đạo. Chúng ta vui vì
các bậc tổ tiên của mình đã sống thực là xứng đáng và đã kéo nhiều ơn
lành của Thiên Chúa cho các con cháu. Thiên Chúa chúc phúc cho các con
cháu là chúng ta vì biết bao công đức của tổ tiên ông bà chúng ta là các
vị thánh tử đạo trung kiên bất khuất. Ngay cả dù không chết ở pháp
trường, các ngài cũng đã sống một đời sống xứng đáng theo những mối phúc
của Tin mừng. Ngày nay chúng ta không phải đối diện với cái chết tử
đạo, nhưng là con cháu các vị tử đạo, chúng ta muốn tiếp bước và được
mời gọi tiếp bước các bậc tổ tiên ông bà của chúng ta trong đời sống
chọn lựa trung tín với Thiên Chúa của mình. Việc tử đạo của chúng ta
ngày nay là đời sống theo Tin mừng mà Chúa Giêsu đã công bố. Đây cũng là
việc tử đạo vì được kết hợp nên giống với Chúa Giêsu trong những hy
sinh bé nhỏ của đời sống hằng ngày.
https://tgpsaigon.net/bai-viet/cac-thanh-tu-dao-viet-nam-lm-lvc-49873