Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

THỨ TƯ LỄ TRO: LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA THẦN HỌC PHỤNG VỤ

 

         Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro.
 

        Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu "bụi tro" được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.

1. Lịch sử Thứ Tư Lễ Tro


    Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: "Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay" (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.

        Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là "Ðầu Mùa Chay" (Caput ieiunii), hay "Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày" (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).
 
        Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình . . . Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đuổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu (tituli) của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Thánh Phaolô ngoại thành, Thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.
 
    Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo Hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.
 
    Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài "Chúng ta hãy thay đổi đời sống, xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵn sàng tha thứ mọi tội khiên" (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành Thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ Thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội.
 
    Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời: "Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi" (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước Thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng Thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc Âm: "Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng" (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu "tro" đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: "Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời" (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).
 

2. Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro
 
    Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).
 
    Trong truyền thống các đan sĩ và tu viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhậm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: "Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi". Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhậm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.
 
    Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải "quay trở lại" một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ "canh tân" trong ngôn ngữ Do Thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng, nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thứ Tư Lễ Tro.
 
    Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như màu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.
 
    Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.
 
    Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ hạnh cá nhân, nhưng là để hướng về ơn cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện và Giáo hội đang chuẩn bị mừng trong đại lễ Phục sinh. Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv. không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro.
 
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
Nguồn: conggiao.info

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

 

LINH MỤC TRIỀU VÀ DÒNG CÓ GÌ KHÁC.
 

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

    Bài này được viết cho giới trẻ. Lý do là nhiều bạn trẻ thường hỏi về sự khác nhau giữa linh mục triều và linh mục dòng. Đây là câu hỏi thú vị để cho thấy sự phong phú về ơn gọi trong Giáo hội Công giáo.

    Trước khi bóc tách vấn đề, chúng ta thấy linh mục là một trong những ơn gọi trong lòng Giáo hội. Khi rửa tội, chúng ta không chỉ trở nên con Chúa, nhưng còn “thừa hưởng” ba ân huệ của Thiên Chúa: tư tế, vương đế và ngôn sứ. Tuy nhiên, những ai được chọn gọi làm linh mục, ân huệ tư tế trở nên nổi bật hơn hẳn. Bởi linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa cộng đoàn và được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô – vị thượng Tế vĩnh cửu – nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, để phục vụ dân Chúa. (x. GLHTCG 1564).

  1. Giống nhau ở căn tính

    Dù là linh mục (priest) triều hay linh mục dòng, cả hai đều là linh mục! Nghĩa là nhờ ấn tín của Bí Tích Truyền Chức Thánh, linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tư Tế, hành động trong cương vị của Đức Kitô là Đầu (in persona Christi capitis), tham dự vào quyền xây dựng, thánh hóa và cai quản Hội Thánh của Đức Kitô (GLHTCG 1563). Do đó, dù là linh mục dòng hoặc triều, các ngài đều thực sự giống nhau về căn tính. Nhiều người cũng gọi các linh mục là giáo sĩ (cleric). Nhưng giáo sĩ bao gồm những người có chức thánh, trong đó có: phó tế, linh mục và giám mục. Cũng có giáo sĩ triều (saecularis), và giáo sĩ dòng (regularis). Dĩ nhiên dù là giáo sĩ triều hay dòng, họ phải tỏ lòng kính trọng và vâng phục Đức Giáo Hoàng và đấng bản quyền của mình. (x. GLHTCG 273).

    Để trở thành một linh mục, cả hai đều phải trải qua giai đoạn huấn luyện lâu dài với rất nhiều tâm huyết. Họ được Thiên Chúa mời gọi để bước vào hàng ngũ tư tế. Vì sự thánh thiêng và quan trọng này, Giáo luật cũng ghi rõ: “Để trao ban chức linh mục hay chức phó tế cách hợp thức, sau khi đã trải qua thời gian thử thách chiếu theo quy tắc của luật, ứng viên buộc phải hội đủ những đức tính thích hợp, theo sự nhận định của Giám Mục riêng hoặc của Bề Trên cấp cao có thẩm quyền, không bị một điều bất hợp luật hay một ngăn trở nào ràng buộc.” (Điều 1025, §1.) Trước mặt Giáo hội, các linh mục phải là người xứng đáng cả về phẩm hạnh lẫn tài năng. Các ngài được huấn luyện để hướng dẫn đoàn chiên. Dù là linh mục dòng hay triều, sứ mạng các ngài dĩ nhiên là đưa đoàn chiên đến gần Thiên Chúa.

    Bạn cũng thấy dù linh mục dòng hay triều, cả hai đều phải được Đức Giám mục phong chức. Nghi thức buổi phong chức này giống nhau đến 99 %. Bên cạnh lời hứa vâng phục Đức Giám Mục Giáo Phận giống như linh mục triều, linh mục dòng có thêm lời hứa vâng phục bề trên hợp pháp của dòng mình. Những nghi thức còn lại hoàn toàn giống nhau. Như vậy, trong ngày chịu chức, cả linh mục triều và dòng đều trở thành người rao giảng, và họ phải tin điều họ đọc, dạy điều họ tin và thi hành điều họ dạy.[1]

    Ngoài ra, nếu bạn biết một linh mục triều đang coi xứ nào đó, bạn cũng thấy căn tính của linh mục dòng như thế. Cả hai đều đang dấn thân để phục vụ tha nhân. Nhiệm vụ chính của các linh mục là cử hành các bí tích. Họ cũng đọc kinh thần vụ giống nhau, và cầu nguyện thay cho dân Chúa. Do liên hệ chức thánh và phẩm trật, các linh mục hiệp thông với giám mục như là những cộng tác viên và phụ tác của Giám mục trong giáo phận để phục vụ dân Chúa trong nhiều công tác khác nhau. (x. Lumen Gentium 28).

    Để kết thúc phần giống nhau, xin được trích lời chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc: “Là linh mục, dù là linh mục dòng hay linh mục triều, đều là ngôn sứ của Thiên Chúa, là sứ giả của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đi để loan báo Tin Mừng; nói điều mà Thiên Chúa muốn nói cho chư dân. Lời Chúa được chính Chúa đặt vào trong tâm trí, vào môi miệng để người linh mục có nói và làm để sống với dân Chúa. Linh mục phải thi hành Thánh Ý Chúa trước, làm gương sáng cho giáo dân noi theo; chăm sóc giáo dân hết sức chu đáo. Linh mục là một cương vị rất cao cả nhưng cũng đầy dẫy những khó khăn. Chính vì thế, phải có sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, sức mạnh từ Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho khi Người đã vượt qua thế gian mà về cùng Chúa Cha”[2].

  1. Khác nhau ở lời khấn

    Giáo luật điều 1036 ghi nhận sự khác nhau giữa linh mục triều và dòng như sau: “Để có thể chịu chức phó tế hay chức linh mục, ứng viên phải đệ trình cho Giám Mục riêng hoặc cho Bề Trên cấp cao có thẩm quyền một bản tuyên bố do chính tay mình viết và ký tên, trong đó đương sự xác nhận rằng mình tự nguyện và tự do lãnh nhận chức thánh và sẽ vĩnh viễn dấn thân cho thừa tác vụ của Giáo hội, đồng thời xin được chấp nhận để chịu chức.” Trong luật này, linh mục triều chịu sự chi phối của đức giám mục bản quyền. Giám mục có toàn quyền trên các linh mục triều của mình. Ngược lại, linh mục dòng lại thuộc về một dòng tu của mình. Nơi đó, các linh mục thường dưới sự chi phối của bề trên thượng cấp. Trong cộng đoàn dòng tu, “bề trên thượng cấp là người lãnh đạo toàn thể tu hội, hoặc một tỉnh dòng, hoặc một phần tương đương với tỉnh dòng, hoặc một nhà tự trị, cũng như những người đại diện của các vị ấy.” (Giáo luật 620).

    Phải nói ngay rằng chỉ có linh mục dòng mới khấn ba lời khấn dòng (Vows): khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Vì lời khấn này mà chúng ta gọi các linh mục dòng là tu sĩ. “Quả vậy, nhờ lời khấn, họ hiến toàn tâm cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, họ được hiến dâng một cách tận tình hơn để phụng sự Thiên Chúa, sự tận hiến đó càng hoàn hảo hơn nhờ những mối dây bền chặt hơn, càng biểu dương Đức Kitô hiệp nhất với Hội thánh, Hiền Thê của Người, do một mối dây bất khả phân ly.” (Evangelica Testificatio số 7). Ngoài ra, lời khấn là một lời hứa, đã suy xét và tự do đoan thệ với Chúa, tự buộc mình theo nhân đức thờ phượng, vào một việc lành có thể làm và hoàn hảo hơn do hiệu lực đức thờ phượng. Nội dung của lời khấn là một điều hứa quyết định với ý thức, quyết định mình phải làm điều gì và phải tránh điều gì mà ta đã bày tỏ với Thiên Chúa, do đó buộc phải trung thành. Hẳn nhiên các linh mục triều cũng được mời gọi sống khiết tịnh (độc thân) và vâng phục. Khó nghèo không được nhắc đến nhiều trong đời sống của linh mục triều[3], nhưng để nên giống Chúa Giêsu, các linh mục triều cũng ước sống thanh bần khiêm hạ.

    Vì là tu sĩ, nên các linh mục dòng thường sống trong cộng đoàn; trong khi đó các cha triều thường sống một mình tại giáo xứ của mình. Cha triều trực thuộc quyền hành của giám mục địa phận. Còn linh mục dòng cũng dấn thân phục vụ theo bài sai của bề trên. Khi đó, Giáo luật điều 680 nhận xét rằng: “Giữa các tu hội dòng với nhau cũng như giữa các tu hội với hàng giáo sĩ triều, phải cổ vũ một sự cộng tác có tổ chức cũng như cộng tác mọi việc và mọi hoạt động tông đồ, dưới sự chỉ đạo của Giám Mục giáo phận, miễn là vẫn phải tôn trọng đặc tính và mục đích của mỗi hội dòng và các luật tặng lập.”

    Với Giáo luật trên đây, chúng ta thấy tùy linh mục ấy thuộc dòng nào, mà đường hướng mục vụ của linh mục ấy ghi đậm dấu ấn linh đạo của nhà dòng. Chẳng hạn linh mục Dòng Tên hẳn là có đôi chút khác biệt về cách mục vụ so với Dòng Đa Minh hoặc Dòng Chúa Cứu Thế. Giáo xứ Dòng Phanxicô chắc cũng hơi khác với giáo xứ Dòng Ngôi Lời. Các giáo xứ Dòng lại càng khác so với các giáo xứ triều. Sự khác biệt này làm nên sự phong phú về đường hướng mục vụ trong Giáo hội. Nếu bạn phân biệt được linh mục triều và dòng, nghĩa là bạn cũng biết mỗi linh mục sẽ có chút khác nhau.

    Nhưng nét khác biệt nhất trong mục vụ của linh mục dòng, đó là không nhất thiết phải chăm sóc xứ đạo. Trong khi đó, cha triều thường phải quản xứ. Sự khác biệt này biểu hiện rõ khi các linh mục dòng thường được huấn luyện để hướng đến những sứ mạng cụ thể như: truyền giáo, tông đồ xã hội, giáo dục, giới trẻ, bệnh viện, v.v. Trong khi đó cha triều rất giỏi về quản trị giáo xứ và thường lưu trú tại một giáo xứ trong thời gian lâu dài. Cha dòng thì có tính lưu động cao hơn.

    Kể ra một vài nét khác nhau như thế để cho thấy Thiên Chúa khéo an bài gửi những linh mục khác nhau đến với đoàn chiên. Nếu ai cũng là cha triều cũng chắn, hoặc nếu toàn là linh mục dòng thì lấy ai chăm sóc giáo xứ địa phương. Tạ ơn Chúa vì sự phong phú trong ơn gọi linh mục này.

  1. Ơn gọi linh mục

    Nếu là người nam đang phân định ơn gọi, bạn cứ mạnh dạn tìm hiểu để thấy Thiên Chúa muốn mình bước vào con đường nào. Ơn gọi nào cũng cao quý. Ước gì chút phân biệt trên đây giúp bạn mạnh dạn dấn thân theo Chúa. Thánh Charles de Foucauld chia sẻ rằng: “Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.[4] Trong khi đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắn với người trẻ chúng ta: “Hôm nay Thiên Chúa tiếp tục mời gọi tha nhân theo Ngài. Chúng ta không nên chờ tới khi hoàn hảo rồi mới quảng đại thưa tiếng xin vâng. Đừng sợ hãi về những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng thay vào đó, hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Hãy lắng nghe tiếng gọi này, hãy phân định sứ mạng của từng người trong Giáo Hội và thế giới, và sau cùng hãy sống tiếng gọi ấy trong ngày hôm nay mà Thiên Chúa trao cho chúng ta.” (Ngày Thế Giới Ơn Gọi 2018).

    Có hai con đường chính mà người muốn đi tu có thể bước nào: Tu triều hoặc tu dòng.[5] Nếu ai muốn làm linh mục, thuộc về giáo phận, thì chọn vào chủng viện để học làm linh mục (chỉ dành cho nam). Nếu ai muốn nên người tu sĩ, cả nam lẫn nữ, đều có thể chọn một nhà Dòng nào đó để bước theo Chúa Giêsu trong khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Chúng ta nói “người ấy muốn”, nhưng trên hết, Thiên Chúa muốn người ấy trước. Do đó, ơn gọi luôn đến từ trên cao, vang vọng tiếng mời người ấy đi theo Đức Giêsu. Khi người nào nghe được tiếng ấy, nếu họ đủ can đảm và yêu mến, đời tu sẽ mở ra với họ.

    Chúng ta thấy Giáo hội và Xã hội lúc nào cũng cần người tu sĩ, cần linh mục dòng và triều. Họ là chứng nhân sống động của Thiên Chúa và Nước Trời. Không có người đi tu, nghĩa là, Giáo hội đang chết dần, chết mòn. Khi đó, người ta xa cách với ơn cứu độ. Không thể tưởng tượng được nếu thế giới không còn linh mục, thiếu vắng người tu sĩ. Dĩ nhiên, vai trò của hôn nhân gia đình vẫn quá quan trọng, đồng thời, ơn gọi cũng không thể thiếu vắng trong mọi thời. Tắt một lời, Giáo Hội khẳng định rằng: “Giáo Hội không thể nào từ bỏ đời thánh hiến được, bởi vì nó biểu hiện cách hùng hồn bản chất Hiền Thê thâm sâu của Giáo Hội.” (Tông Huấn Vita Consecrata, số 105).

    Do đó, ước gì mỗi người tiếp tục xin Thiên Chúa sai những thợ tốt lành ra gặt lúa về (x. Mt 9,32–38). Cầu nguyện cho nhiều người trẻ dám can đảm bước vào ơn gọi đặc biệt này: nên tu sĩ hoặc làm linh mục triều. Để với những điều đặc biệt trên, cuộc đời người tu sĩ hoặc linh mục triều luôn hạnh phúc bình an, luôn vui tươi dấn bước. Hy vọng tu triều và tu dòng vẫn còn đặc biệt hấp dẫn nhiều người trẻ, phải không bạn?

Nguồn: hdgmvietnam.com

 

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

    CÂY THÁNH GIÁ - BIỂU TƯỢNG THÁNH THIÊNG CÔNG GIÁO

 

        Trong Ngày Chúa Giêsu chết, Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của người công giáo, một hình dáng xù xì, khẳng khiu, vươn cao lên, xòe rộng ra, bao phủ lấy chúng tôi: đó là Cây Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô.

Cây thập giá và Cây Thánh Giá khác nhau một trời một vực! Cây thập giá là do lòng hận thù của con người nghĩ ra, còn Cây Thánh Giá là do sáng kiến cứu chuộc của tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với loài người.

        Cây thập giá là hai miếng gỗ gồ ghề, nặng nề, trần trụi, bắt chéo vào nhau như hình chữ Thập, dùng làm hình khổ rùng rợn để giết người một cách quá dã man, do người ngoại giáo độc ác bày ra để hành hạ và giết chết một cách vô cùng tàn nhẫn những ai họ cho là phạm tội ghê gớm, những kẻ nô lệ vô phước nằm trong tay họ, những ai bị họ đặt ra ngoài vòng pháp luật. Cây thập giá nầy đã được Chúa Giêsu, cách đây hơn 2000 năm, vác lên Núi Sọ và bị đóng đinh chết vào đó.

        Nhưng lạ lùng thay! Kể từ ngày Chúa Giêsu của người công giáo chúng tôi dang tay chịu đóng đinh chết trên cây thập giá nầy, thì cây thập giá nầy được trở thành Cây Thánh Giá huy hoàng, rực rỡ và vô cùng cao trọng.

        Đây là một hiện tượng lạ lùng nhất trên trần gian nầy, hiện tượng mà loài người không thể nào cắt nghĩa được, nếu không được cắt nghĩa bằng đức tin.

        Trước, thì cây thập giá quá đen tối, quá kinh tởm, quá tủi nhục, mà nay, thì Cây Thánh Giá lại quá sáng chói, quá hấp dẫn, quá vinh quang!

        Trước, thì cây thập giá chỉ có mặt nơi tử địa, nơi pháp trường, nơi chỗ đê hèn nhục nhã, mà nay, thì Cây Thánh Giá lại được đặt khắp nơi, được đặt nơi trang trọng nhất, được đặt trên đỉnh núi cao nhất, được đặt dươi lòng biển sâu nhất.

Trước, thì cây thập giá bị chối từ, bị nhờm gớm, mà nay, thì Cây Thánh Giá lại được mang nơi ngực, được đeo nơi cổ, được hôn kính dấu yêu.

Trước, thì cây thập giá chỉ được làm bằng gỗ sần sù lởm chởm, mà nay, thì Cây Thánh Giá lại được làm bằng vàng, bằng bạc, bằng những thứ kim loại đắt giá nhất thế giới.

Vì sao người công giáo dành cho Cây Thánh Giá một địa vị vô cùng đặc biệt như thế?

Vì sao người công giáo dành cho Cây Thánh Giá địa vị ngang hàng như Thiên Chúa vậy?

Vì trên Cây Thánh Giá, có Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm Người, vì quá yêu thương loài người, nên đã nộp mình chịu chết đóng đinh để cho loài người được sống, được sống hạnh phúc chân thật, và được sống như vậy một cách dồi dào.

Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã nếm chịu muôn vàn đau khổ ê chề:
đau khổ bên ngoài: bị lột hết áo quần ra, không một mảnh vải che thân.. ..;
đau khổ thể xác: từ trên đỉnh đầu cho đến dưới bàn chân, chẳng chỗ nào là chẳng xể xài
rách nát, cùng bày xương ra.. ..;
đau khổ tinh thần: bị sỉ nhục, bị bỏ vạ, bị cáo gian, bị chửi rủa thậm tệ.. ..;
đau khổ tâm hồn: thấy trước đủ mọi thứ tội lỗi tầy trời do con người phạm, thấy trước đủ mọi thứ vong ân bội nghĩa phát xuất từ con người.. ..;
đau khổ tình cảm: thấy những người thân yêu của mình, nhất là Mẹ mình, đang đứng dưới chân thập giá mà không làm gì được cho Mẹ thân yêu...
Nhưng dù ngụp lặn trong đau khổ, Chúa Giêsu trên Cây Thánh Giá vẫn tỏ ra vô cùng nhẫn nhục, đầy lòng tha thứ một cách anh hùng, vui lòng chịu khổ để làm trọn Thánh Ý của Chúa Cha và để tỏ lòng yêu thương loài người vô bên vô bờ.

Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu

là Đấng vô tội, nhưng đã bị vu cáo;
là Đấng Công Chính, nhưng đã bị kết án;
là Đấng vô cùng thánh thiện, nhưng đã bị đày ải;
là Vua trên trời dưới đất, nhưng đã bị hành hạ nhục nhã, bị đóng đinh chết tất tưởi;
là Con Thiên Chúa toàn năng, nhưng đã bị thóa mạ, bị dày đạp, bị từ chối;
là Ánh Sáng, nhưng đã bị tối tăm vây phủ;
là Đấng vô cùng cao sang, nhưng đã bị trần truồng nhuốc hổ, treo mình chết trên hai miếng gỗ;
là Sự Sống, nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng;
là Sự Chết, nhưng cũng là sự Sống Lại.

Vì thế, thánh Gioan Kim-Khẩu ca tụng Cây Thánh Giá hết lời:

“Cây Thánh Giá
là hy vọng của người kitô-hữu,
là sự sống lại của kẻ chết,
là sự hướng dẫn cho kẻ mù,
là cây gậy cho người què,
là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ,
là sự kềm hãm những kẻ giàu sang,
là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa,
là sự chiến thắng ma quỷ,
là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên,
là bánh lái cho những người vượt sóng,
là cửa biển cho những kẻ đi xa,
là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm.”

Trong kinh A RẤT THÁNH GIÁ, người công giáo sung sướng kính chào Cây Rất Thánh Giá

“là Cây đã chuộc muôn dân đặng rỗi,
là Cây cho kẻ có phước đặng phần vui mừng,
là Cây cho kẻ có tội đặng lòng trông cậy,
là Cây cho kẻ yếu đuối đặng nhờ sức mạnh,
là Cây cho kẻ khốn nạn đặng sự an lành,.. ..
là Cây tốt lành rất mực, diềm dà im mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình...
là Cây đưa những kẻ tin chúng ta qua khỏi gian nan đến Nước Thiên Đàng.”

Cây Thánh Giá tóm lược tất cả những tín điều vô cùng cao siêu của Đạo công giáo:

tín điều Một Thiên Chúa,
tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi vô cùng sâu thẳm,
tín điều Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, Nhập Thể, nhập thế,
tín điều Cứu Chuộc!

Cây Thánh Giá dạy người công giáo nhiều bài học tín lý và luân lý:

Hình thẳng của Cây Thánh Giá: phải đi lên để yêu mến Chúa;
Hình ngang của Cây Thánh Giá: phải đi ngang để yêu thương mọi người, không trừ ai,
ngay cả kẻ thù nghịch cũng xin cho họ được mọi sự lành.

Tay Chúa Giêsu giăng ra trên Cây Thánh Giá: dạy người ta ôm lấy tất cả mọi người, không xua trừ ai; tha thứ tất cả mọi xúc phạm lớn nhỏ, không trừ xúc phạm nào.

Tay Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Cây Thánh Giá là để đền những tội do tay người ta thường phạm, như biếng nhác, cắp trộm, tức giận, dâm ô; và treo cao gương cho người ta biết sống cầu nguyện, siêng năng làm việc, yêu thương giúp đỡ, rộng rãi bố thí.

Chân Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Cây Thánh Giá là để đền những tội do đôi chân người ta thường phạm, như đi vô ích, đi có hại, đi phạm tội; và treo cao gương cho người ta đi cầu nguyện, đi học hỏi thêm những điều tốt, đi làm việc đạo đức, đi làm việc bổn phận, đi làm việc hữu ích, đi làm việc bác ái, yêu thích nơi gia đình mình đang ở.
Tim Chúa Giêsu bị đâm thủng là để dạy người ta lo diệt lửa dục tình, lo thắp sáng lửa nhiệt thành làm việc thiện, và đặc biệt đối với người công giáo, lo yêu mến Phép Thánh Thể, yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu, đừng sống bạc nghĩa vô ơn đối với Chúa hằng yêu thương loài người vô bờ vô bến.

Bốn cây đinh đóng Chúa Giêsu vào Cây Thánh Giá là để dạy người ta lo xa lánh bốn điều dẫn đưa người ta đi trên con đường tội lỗi, đó là thói quen xấu, lui tới dịp tội, ao ước thỏa mãn dục vọng, sợ dư luận; và để khuyên người ta lo tập bốn điều dẫn đưa người ta đi trên con đường nhân đức, đó là thói quen tốt, chu toàn các việc bổn phận của mình, hy sinh hãm mình, sống can đảm trước dư luận.

Thánh Casimirô, mỗi lần có dịp nhìn lên Cây Thánh Giá, thì quá cảm động, nước mắt trào tuôn!
Người Công giáo Cây Thánh Giá trong nhà, trong phòng.
Người Công giáo đeo Cây Thánh Giá nơi ngực, nơi cổ.
Người Công giáo làm Dấu Thánh Giá trên thân xác mình.
Người Công giáo năng nhìn lên Chúa Giêsu trên Cây Thánh Giá.

Và nhất là, Người Công giáo luôn tìm cách mang Thánh Giá trong lòng mình, trong tâm hồn mình.

Thân chào những ai đã vô tình hay bị bắt buộc, đã hạ và đập tan Cây Thánh Giá Đồng Chiêm!

Và cũng thân chào những ai đã cố tình hay bị bắt buộc, đã ra lệnh hạ và đập tan Cây Thánh Giá Đồng Chiêm!

Bởi vì tất cả chúng ta, Quý Vị và chúng tôi, thế nào đi nữa – tôi hy vọng thế! – cũng sẽ gặp nhau lại trên Nước Thiên Đàng, Nước Tình Yêu Vô Bờ Vô Bến của Chúa Giêsu Cứu Thế đã Tử Nạn trên CâyThánh Giá và đã Phục Sinh vinh hiển để cứu chuộc mọi người.

LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

 

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

 

          SỰ SỐNG - SỰ CHẾT 

 

 

        Theo quan niệm thông thường, sống và chết là hai cõi âm dương cách biệt. Người không có tín ngưỡng cho rằng chết là hết. Vì thế, một người đã nhắm mắt xuôi tay là ra đi mãi mãi; một người đã nằm xuống là ngàn thu vĩnh biệt. Nếu thân nhân bạn hữu có nhớ ngày kỵ giỗ, âu cũng là để ôn lại kỷ niệm về một kiếp người.

        Đức tin Kitô giáo nói với chúng ta, sống và chết không hẳn là chia ly đôi ngả. Chết không phải là hết nhưng vẫn còn. Nếu cuộc đời là một chuyến đi đường dài thì lúc nhắm mắt là khi họ tới đích. Nếu cuộc sống là nô dịch gian nan thì lúc xuôi tay là khi con người được an nghỉ. Trước thi hài người vừa nằm xuống, người có đức tin chỉ nói lời tạm biệt vì tin rằng sẽ được gặp lại nhau trong cõi vĩnh hằng.

        Trong những ngày cử hành cuộc khổ nạn và tưởng nhớ cái chết của Đức Giêsu, chúng ta hãy cùng suy niệm về sự sống, sự chết.

        Sống và chết đang cùng hiện hữu nơi một kiếp người

        Nhờ đức tin mà chúng ta có một cái nhìn mới mẻ về kiếp nhân sinh: nơi cuộc đời con người, sống và chết hoà quyện với nhau. Trong sự chết bừng lên sự sống; nơi sự sống, sự chết luôn hiện hữu. Sống và chết cùng song hành gắn bó với nhau.

        Có nguời định nghĩa cuộc sống là một hành trình để tiến tới… cái chết. Thật thế, mỗi ngày sống là đời ta ngắn lại; mỗi hoàng hôn ta mất đi một ngày. Ngày đầu xuân, người lạc quan thì chúc nhau thêm tuổi; người bi quan lại thấy cái chết đến gần hơn. Sống là đang đi dần tới cõi chết. Vì vậy mà người ta gọi người già là tuổi “gần đất mà xa trời ”.

        Thế nhưng, ngay trong sự chết, chúng ta lại nhìn thấy sự sống. Khi xác định kiếp người như lá rụng về cội, chúng ta lại thấy mỗi ngày qua đi làm cho ta tới gần Chúa hơn. Khi một người nhắm mắt xuôi tay lại là lúc người ấy bước vào cuộc sống mới. Vì thế người có đức tin gọi người già là tuổi “gần trời mà xa đất”.

        “Người già thấy sự chết trước mặt, người trẻ thấy sự chết sau lưng”, chết và sống luôn hiện hữu trong đời một con người. Nếu chúng ta có được sự sống, là nhờ sự hy sinh của bao người. Trước hết, ta sống là nhờ cha mẹ và người thân. Quả vậy, chúng ta lớn dần lên trong sự vất vả một nắng hai sương của cha mẹ. Từ những đêm thức trắng lo toan, đến những tần tảo quanh năm suốt tháng để ta được nuôi dưỡng nên người. Trong nụ cười của chúng ta có sự chết (hy sinh) của cha mẹ. Trong niềm vui của chúng ta có đau khổ của đấng sinh thành. Và thế rồi, dầu cha mẹ có khuất núi, thì các ngài lại đang hiện diện nơi con cháu là chúng ta, vì chúng ta mang trong mình huyết nhục cũng như sự hy sinh của các ngài.

        Sự sống của chúng ta còn được tồn tại nhờ biết bao loài thảo mộc cũng như động vật làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Những loài thảo mộc và động vật ấy đã chấp nhận chết đi để bữa cơm của chúng ta ngon hơn, vui hơn và nhờ đó chúng ta được sống.

Nghĩ đến sự hy sinh của cha mẹ giúp ta hãy sống với tâm tình hiếu thảo tri ân.

Nghĩ đến sự chết của muôn loài giúp ta tôn trọng và biết ơn thiên nhiên vạn vật.

        Sống và chết là một cuộc tranh đấu không ngừng

        Vì sự sống và sự chết cùng song hành nơi con người, nên cuộc đời là cuộc giao tranh liên lỷ khôn nguôi giữa sự sống và sự chết. Ranh giới giữa sự sống và sự chết thật quá mong manh: người ta có thể biến từ người sống thành người chết trong một tích tắc. Giao tranh “sống – chết” cũng là cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Một người tốt có thể trở thành kẻ sát nhân vì một cơn nóng giận không kiềm chế nổi mình. Một người hiền lành có thể trở nên kẻ hung dữ khi thiếu suy nghĩ khôn ngoan. Khoảng cách giữa tốt và xấu mỏng manh là thế. Cảm nghiệm được sự nghiệt ngã của cuộc tranh đấu ngay trong chính bản thân mình, thánh Phalô đã thốt lên: “Tôi thật là một người khốn nạn ! ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24). Đích điểm của con người nói chung và của người tín hữu nói riêng là vươn tới sự sống, tiêu diệt sự chết, vươn tới cái thiện, từ bỏ gian manh.

        Trong cuộc chiến cam go này, chúng ta có thể chiến thắng nhờ noi gương Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đến để phục vụ con người và nói với họ về tình thương của Chúa Cha. Người đã làm mọi sự để Chúa Cha được tôn vinh. Thật kỳ diệu biết bao khi suy niệm về hình ảnh Thiên Chúa làm người. Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người, trở nên bạn hữu với họ, lau khô nước mắt họ và tặng cho họ nụ cười bình an.

        Khi bước ra khỏi nấm mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết. Người cũng chiến thắng sự thù ghét của những người đã lên án tử cho Người. Người không oán thù nhưng tha thứ và cầu nguyện cho kẻ giết mình; Người không hờn căm nhưng một niềm phó thác nơi Chúa Cha. Đức Giêsu là mẫu gương cho mỗi người chúng ta.

        Chúng ta sống nhờ sự chết của Con Thiên Chúa

        Đức tin Kitô giáo còn dạy: chúng ta sống là nhờ sự chết của Đức Kitô Giêsu. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Khi tuyên bố điều đó, trước hết Đức Giêsu muốn tiên báo cái chết của Người. Người như hạt lúa, chấp nhận hy sinh vì sự sống của nhân loại. Người chết để cho người khác được sống. Máu của Người đổ ra để cho “nhiều người được tha tội”. Đàng khác, Đức Giêsu cũng muốn qua hình ảnh hạt lúa mục nát để nói về sự hy sinh của mỗi tín hữu, vì nước trời mai sau: “Ai yêu quý mạng sống mình ở đời này, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Như thế, một đàng, người tín hữu sống nhờ sự chết của Đức Giêsu, đàng khác, trong cuộc sống làm người, họ như hạt lúa mì chấp nhận hy sinh mỗi ngày để đem niềm vui cho tha nhân, cùng với họ hướng tới đời sau. Triết lý hạt lúa bình dị mà rất sâu xa, vì nó cổ võ sự cao thượng của con người, hy sinh bản thân vì người khác, hy sinh đời này để được sống đời sau. Mỗi ngày, chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Thánh Thể, là tấm bánh được làm nên bởi những hạt lúa mì chịu nghiền nát, được thánh hiến do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhờ việc rước Thánh Thể, nơi chúng ta có sự sống của Chúa, Đấng yêu thương và hiến mình cho nhân loại. Khi cử hành Thánh Thể là chúng ta loan truyền sự chết của Đức Giêsu, đồng thời chúng ta tuyên xưng vững vàng Người đã sống lại và sẽ đến trong tương lai (x. 1 Cr 12,26).

        “Khi nào các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). “Tôi Hằng Hữu”, đó là danh Thiên Chúa được mạc khải cho ông Môi-sen trong câu chuyện bụi gai (x.Xh 3,14). Thật là một nghịch lý! vinh quang Thiên Chúa không tỏ hiện vào những lúc huy hoàng theo quan niệm thông thường của con người. Ngài tỏ mình trong một khung cảnh trái ngược, nơi một con người trần trụi, bầm dập, đau khổ, cô đơn và bị phỉ nhổ. Chính vào lúc này, Thiên Chúa tỏ bày vinh quang của Ngài. Giờ phút đau thương trên đồi Can-vê lại là một cuộc phong vương hùng vĩ của Thiên Chúa làm người. Nét đẹp của hy sinh được thể hiện qua đau khổ. Bằng chứng của tình yêu được minh chứng qua thập hình. Đức Giêsu đã yêu thương con người và yêu thương đến cùng (Ga 13,1). Chính nơi thập giá, chúng ta nhận ra, chỉ có Thiên Chúa mới thể hiện tình yêu thương đến như thế. Đức Giêsu đã thực hiện điều Người đã nói về tình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

        Những lễ nghi Tuần Thánh giúp ta suy tư về sự sống và sự chết. Vâng, chính từ cạnh sườn bị đâm thâu qua mà chúng ta được tái sinh. Chính từ trái tim mang thương tích mà chúng ta được chữa lành. Khơi nguồn từ mầu nhiệm phục sinh, nơi sự sống của tôi có sự chết của Chúa. Nơi cuộc đời của tôi có Chúa hiện diện. Chúa ở với tôi để nâng đỡ tôi trong cuộc giao tranh khốc liệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thánh thiện và tội lỗi. Đáp lại lời Chúa dạy, tôi phải chết đi mỗi ngày, cụ thể bằng việc từ bỏ những khuyết điểm, sống quảng đại hơn với mọi người, thực hành tình yêu thương đối với anh chị em. Sự chết sẽ bị đẩy lùi và sẽ bị tiêu diệt, nếu ta chấp nhận để cho ánh sáng huy hoàng của Đấng Phục Sinh chiếu rọi trên chúng ta.

Tuần Thánh năm 2011

Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên

 

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

   

                                         MÀU TÍM – MÀU CỦA ÂN SỦNG.

 

 

        Tháng ngày mãi dần trôi theo nhịp sống tuần hoàn của trái đất và con người được Thiên Chúa tạo dựng nên để sống, hưởng nguồn hạnh phúc ở đời này và mưu tìm hạnh phúc ở đời sau trên quê trời. Sự sống ở đời này chỉ là phù vân, mong manh nhưng ai ai cũng quý chuộng sự sống và rất ư sợ chết. Thật vậy, không một người nào có thể kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang tay, sống hay chết đều do Chúa định đoạt, Chúa gọi ai thì người ấy về cùng Chúa, không ai làm chủ mạng sống của ta ngoài một mình Thiên Chúa. Chúng ta đang sống trong một thế giới khoa học phát triển, thời đại 4.0 vì thế con người đi tìm kiếm mọi phương thế để làm sao tăng tuổi thọ, kéo dài sự sống. Nhưng “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi”(Tv 90, 9 – 10). Khi tiếng loa hiệu lệnh Chúa gọi thì không ai trốn chạy và lúc ấy mọi sự chỉ là phù vân, duy có linh hồn ra trước tòa phán xét của Chúa mà thôi.

        Sự sống đời này biết là tạm bợ phù vân, ấy mà con người mãi chạy theo tiền tài,  danh vọng không chăm lo cho phần rỗi linh hồn, thật là một sự mất mát thua thiệt cho linh hồn. Chính vì thế, Giáo hội mẹ chúng ta đã khôn ngoan dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho Các đẳng linh hồn là những ông bà, cha mẹ và người thân yêu đã được Chúa gọi về trước chúng ta, đôi khi chưa chuẩn bị đủ đèn dầu để đón chờ chàng rể đến, vì sự thiếu chuẩn bị nên không được hưởng nếm hạnh phúc trọn vẹn bên Chúa nên họ cần đến con cháu những người còn sống ở trần gian hãy siêng năng xin lễ, cầu nguyện, hy sinh cho họ để mau được sum họp bên Chúa muôn đời.

        Tháng 11, tháng của ân sủng dành cho Các đẳng linh hồn, tháng của màu áo tím, màu áo hy vọng cậy trông đến lòng thương xót Chúa. Có người quan niệm màu tím là màu tang chế, u buồn ảm đạm…không thích màu tím bởi họ sợ điều không may đến với họ và hiển nhiên màu tím đó là màu của sự chết. Những người chưa tin vào Thiên Chúa thì đối với họ chết là hết, chỉ còn nấm mộ cỏ xanh um tùm, hay họ nghĩ sẽ được đầu thai thành một con vật khác hay linh hồn vất vưởng muôn nơi, họ không có niềm tin về Thiên Chúa là Đấng hằng sống vĩnh hằng. Riêng người Công giáo chúng ta chết là một cuộc trở về cùng Chúa, Đấng ta hằng mong đợi. Chết không mất đi nhưng chỉ đổi thay, ta bỏ trần gian để về bên cung lòng Thiên Chúa và tận hưởng nguồn vui nơi Chúa. Những ai biết trước và khôn ngoan thì lo tìm kiếm nước Thiên Chúa qua những việc làm như: mến yêu tha nhân, chia sẻ cho người nghèo và nhận ra hình ảnh Thiên Chúa là những anh chị em xung quanh mình để qua đó thể hiện đức ái trọn hảo ngay chính trần gian hôm nay, và điều này thật khó vì thế gian muôn màu cạm bẫy không dễ cho chúng ta lướt thắng nếu không bám vào ơn Chúa, biết mình mỏng giòn để cậy trông vào ơn Chúa giúp. Sống đức ái qua việc nhớ và cầu nguyện cho Các đẳng linh hồn là điều đẹp lòng Thiên Chúa vì các linh hồn không tự cứu chính mình được, cần nhờ đến những người còn sống xin lễ, dâng các việc hy sinh để cầu nguyện cho các linh hồn. Ước gì ngày sống của mỗi người chúng ta luôn nhớ đến các đẳng linh hồn và cầu nguyện cho các ngài thì thật tốt biết bao. Hiệp thông với các đẳng linh hồn chúng ta sẽ không bị thua thiệt, bởi sau một thời gian ngắn chịu khổ nhục các ngài sẽ được vinh dự lớn lao bên Chúa chắc hẳn sẽ hằng chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa uy linh.

        Xã hội phồn thịnh, con người hiện đại hóa để cùng hòa nhịp sống với đời, vì thế đôi khi làm cho con người kiệt sức mà quên đi cốt lõi cái đạo lý báo hiếu cho các bậc sinh thành dưỡng dục nên ta. Lúc nhỏ ở trong mái ấm gia đình, khi lớn lên thì lo sự nghiệp tương lai, xa gia đình và một lúc nào đó bên cạnh ta những người thân yêu đã rời xa ta, nỗi buồn sẽ vơi đi và cứ thế ta không còn nhớ đến ngày ông bà cha mẹ qua đời, không xin lễ hay làm giỗ cho các ngài, nếu có chăng cũng chỉ là hình thức suông. Sự lãng quên của con cái cháu chắt làm cho ông bà cha mẹ chúng ta không hưởng được ân sủng của Thiên Chúa. Có những linh hồn ông bà, cha mẹ, ân thân nhân không được ai nhớ đến, thật đáng thương vô cùng. Các linh hồn rất linh thiêng, đừng quên các linh hồn trong Thánh lễ là điều cần hơn hết. Chính Thánh lễ là nguồn mạch mọi ân phúc mà ta cùng hiệp với hy tế của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha, kêu cầu lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa, nhìn đến mà tẩy sạch các lỗi phạm còn thiếu của các linh hồn nơi luyện ngục, bởi khi ở trần gian chưa sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa để khi chết phải mang theo. Thật vậy, niềm tin Kitô giáo chúng ta là vững tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, chính cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu và sự Phục sinh của Chúa là bảo chứng cho chúng ta vào sự sống đời đời mai sau. Tin như thế để rồi nhắc nhớ phận làm con cháu hãy báo hiếu ông bà, cha mẹ khi các ngài đã khuất bóng, dâng những Thánh lễ và nguyện cầu cho người thân yêu của chúng ta, để họ được tẩy sạch mọi sự tội khi ở trần gian vướng mắc, ngõ hầu được Chúa dủ thương và được sống vui bên Chúa trên thiên đàng.

        Hội Thánh dành cả tháng 11 để mời gọi con cháu tưởng nhớ và cầu nguyện đặc biệt cho các tín hữu đã qua đời. Ta nhớ đến các linh hồn cũng là cách cho ta ý thức về con người tội lỗi của chúng ta để xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta, dù cho tội chúng ta có đỏ như son thì tình thương của Chúa bao la dạt dào hơn biển cả. Vững tin vào Chúa và kêu xin Chúa cứu giúp thứ tha tội lỗi chúng ta hầu mưu ích cho bản thân và các linh hồn. Thật vậy, đời sống con người “Như cỏ đồng trỗi mọc ban mai” rất là mỏng manh, kiếp sống phù du nay còn mai mất héo tàn bất ngờ không ai biết trước. Vì thế hãy đếm tháng ngày mình sống và hiểu rằng thân trần truồng sinh từ lòng mẹ thì khi về với Chúa cũng vậy, không mang theo được gì. Hiểu như thế để biết và lo mưu cầu lợi ích cho phần hồn của mình. Thời gian thật vắn vỏi lắm ai ơi! Nay bạn mai tôi không biết trước vì thế hãy sống cho có ích đời này lẫn đời sau, bằng những gì mà Chúa dạy qua Hội Thánh và các giáo huấn. Thánh Tôma Aquinô cho ta biết: Không có của lễ và sự hy sinh nào cứu các linh hồn nơi luyện ngục hiệu quả bằng Thánh lễ Misa vì thế hãy năng tham dự Thánh lễ và nhường Thánh lễ ấy cho các đẳng linh hồn. "Mỗi khi Thánh lễ được cử hành ở trần gian thì trên trời các Thánh sẽ xuống mở cánh cửa luyện ngục để đưa các linh hồn về ngự bên tòa uy linh của Chúa" (Lời dạy của Thánh Chrisôtômô). Thật vậy, các việc làm của ta nơi trần gian nếu được làm với ý chỉ lành thánh và sự tích cực của ta thì Thiên Chúa sẽ không bỏ quên lòng quảng đại của ta, Chúa sẽ đoái thương đến lời nguyện của ta và ban thưởng thiên đàng cho các linh hồn ta cầu xin. Hãy tập cho có thói quen lưu tâm đến nhau và cầu nguyện cho nhau đó là cách thức và phương thế hữu hiệu ta đang sống hiệp thông với các Thánh trên trời. Nhớ đến các linh hồn qua chuỗi hạt Mân côi để xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa Giêsu Con yêu của Mẹ thương và ban nước trời cho các linh hồn đã một lòng tôn kính Mẹ của Chúa. Mẹ Maria hứa sẽ không khuất phục sự cậy trông của ta ở nơi Mẹ qua tràng hạt mà Mẹ muốn ta quy hướng về Mẹ.

        “Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng ở đó”. Đây là lời của Chúa Giêsu muốn hết thảy con cái Chúa sẽ được nếm hưởng hạnh phúc cùng Chúa trên thiên đàng, nơi ấy có các Thánh và Thiên thần hằng đêm chầu phụng sự Chúa và nơi đó không còn tiếng khóc than và buồn sầu nhưng là niềm vui muôn đời. Ước chi mọi người ai cũng được nếm hưởng niềm hạnh phúc viên mãn ấy với Chúa là Đấng ta hằng cậy trông ở cùng. Để được như thế mời gọi ta hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại và lo tìm kiếm nước Thiên Chúa để khi Chúa gọi thì ta đã sẵn sàng và mau mắn bước ra trình diện trước tôn nhan Chúa những nén bạc mà ta đã sinh lợi nơi trần thế và Chúa sẽ dang tay rộng mỡ “Hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào mà hưởng vương quốc dọn sẵn cho ngươi từ tạo thiên lập địa”.

        Con kính chúc quý Bà và chị em bước vào tháng 11, tháng Các đẳng linh hồn thật nhiều công phúc và ân sủng của Chúa để nhường lại cho các linh hồn mà ta cần nhớ đến. Nhớ để thông công và nhớ để các linh hồn được diện kiến tôn nhan Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không mất phần ân phúc trước tòa Chúa khi ta được Chúa gọi về. Hãy lập công trạng hôm nay để mai sau ra trước tòa Chúa ta sẽ không khỏi bị Chúa phán xét: “Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,23). Nguyện xin Chúa nhớ đến các linh hồn quý Bề trên, quý Bà, chị em trong Hội dòng chúng ta đã qua đời cùng Các đẳng linh hồn, những linh hồn chết trong dịch bệnh Covid, xin lòng nhân từ của Chúa đoái thương và cho hết thảy các linh hồn về họp hoan muôn đời bên Chúa trên thiên đàng.
 

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Quyết Nghị Của Các Giám Mục Việt Nam Về Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên (1974).



              Khi nhìn lại quá trình loan báo Tin Mừng trong Năm Thánh, người giáo dân Việt Nam chúng ta vẫn còn đối diện với một ngộ nhận khá phổ biến nơi người ngoài Kitô giáo cho rằng: “Theo Đạo, bỏ Ông Bà”. Thực ra, người Kitô hữu được yêu câù thực hành Mười Điều Răn, trong đó điều thứ tư yêu cầu người Công giáo phải thảo kính cha mẹ. Hơn nữa, mỗi khi tham dự Thánh lễ, mọi Kitô hữu đều cầu nguyện cho Ông Bà tổ tiên đã ly trần. Từ gần 40 năm qua, các Giám mục Việt Nam đã có những chỉ dẫn cụ thể về việc tôn kính Ông Bà Tổ tiên. Sau đây là nguyên văn của Quyết nghị này:
 
Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên


              Chúng tôi, các Giám mục chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang ngày 12-14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến việc thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Ủy Ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 14.6.1965, về các lễ nghi tôn kính Ông Bà tổ tiên, như sau:

                 "Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi (sau này) có tính cách thế tục lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động" (Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 14.06.1974).

1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.

2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

3. Ngày giỗ cũng là ngày "kỵ nhật" được "cúng giỗ" trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.

4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm "Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên" trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.

5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các "yêu thần, tà thần".

              Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm... Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải "thảo kính cha mẹ", đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.

Tại Nha Trang, ngày 14.11.1974

Ký tên:

- Philiphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế
- Giuse Trần Văn Thiện, GM Mỹ Tho
- Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Vĩnh Long
- Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, GM Cần Thơ
- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang
- Phêrô Nguyễn Huy Mai, GM Ban Mê Thuột
- Phaolô Huỳnh Đông Các, GM Quy Nhơn


http://giaophanthanhhoa.net/van-kien-giao-hoi/quyet-nghi-cua-cac-giam-muc-viet-nam-ve-le-nghi-ton-kinh-ong-ba-to-tien-1974-21774.html

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Ban Phép Lành Tòa Thánh trong thánh lễ mở tay

Kết quả hình ảnh cho phep lanh toa thanh

         Từ lâu nay, khi cử hành thánh lễ đầu tiên hay thánh lễ tạ ơn khá long trọng, các tân linh mục thường ban Phép lành Tòa Thánh cùng với ơn toàn xá kèm theo (Benedictionem papalem cum indulgentia plenaria). Ơn toàn xá này được ban cho chính vị tân linh mục và những người tham dự thánh lễ với điều kiện là họ lãnh nhận Bí tích Hòa giải, Rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng. Ðây là thực hành hợp pháp và có hiệu lực dựa theo Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao (Paenitentiaria Apostolica) với sự chấp thuận của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI được ban hành tại Rôma ngày 5.11.1964.
            Tuy nhiên, theo thông báo mới đây của Ủy ban Phụng tự trực thuộc HÐGM Việt Nam “VỀ VIỆC BAN PHÉP LÀNH TÒA THÁNH VỚI ƠN TOÀN XÁ” (ban hành ngày 3.12.2018),1 chúng ta ghi nhận một số điểm sau:

I. Phép lành Tòa Thánh không còn hiệu lực
               Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao ban hành ngày 5.11.1964 không còn hiệu lực, nghĩa là các linh mục mới thụ phong không còn ban Phép lành Tòa Thánh trong thánh lễ tạ ơn / thánh lễ đầu tiên nữa, bởi vì Sắc lệnh này được điều chỉnh bởi những khoản luật chung trong Sổ bộ các Ân xá: Quy chế và Ân ban (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones) được xuất bản lần thứ I vào tháng 6.1968; lần thứ II vào tháng 10.1968; lần thứ III vào năm 1986 (18.5.1986) và lần thứ IV vào năm 1999 (16.7.1999).
II. Nhưng ơn toàn xá vẫn được ban
                Cho dù Phép lành Tòa Thánh không còn hiệu lực trong thánh lễ đầu tiên của tân linh mục nữa nhưng ơn toàn xá thì vẫn còn được áp dụng trong dịp cử hành thánh lễ này. Thật vậy, cả 4 lần xuất bản, Sổ bộ các Ân xá đều đề cập đến trường hợp Phép lành Tòa Thánh được ban cùng với ơn toàn xá. Nhưng liên quan đến thánh lễ đầu tiên của linh mục mới chịu chức, tại số 43, trong 3 lần xuất bản trước, tài liệu chỉ nói chung rằng: “Ơn toàn xá được ban cho linh mục nhân dịp cử hành lễ mở tay cách trọng thể và cho các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ này” (Prima Missa neosacerdotum); Và tại “Concessiones” số 27 (Prima sacerdotum Missa et iubilares Ordinationum celebrationes) trong lần xuất bản Sổ bộ các Ân xá mới nhất vào năm 1999, tài liệu cũng chỉ nói tương tự: “Ơn toàn xá được ban cho: (1) Linh mục nhân dịp cử hành thánh lễ mở tay trước đoàn dân vào một ngày đã chọn; (2) Các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ này”.2
III. Ban Phép lành Tòa Thánh khác với việc ban ơn toàn xá
               Có một số Phép lành Tòa Thánh kèm theo việc ban ơn toàn xá luôn cho những ai đáp ứng các điều kiện đã cho (là người Công giáo, sạch tội trọng, có ý lãnh). Nhưng có Phép lành Tòa Thánh được ban trong hình thức văn tự [chẳng hạn qua một điện tín, trên tờ thư, trên một tờ giấy thường hoặc trên bằng Phép lành Tòa Thánh được trang trí thật đẹp] thì không ban ơn toàn xá hay tiểu xá gì, mà chỉ là sự “chúc lành” của Ðức Thánh Cha theo ý người xin.3 Sổ bộ các Ân xá: Quy chế và Ân ban [ấn bản 1999]” (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones, editio typica quarta, 1999) liệt kê 33 trường hợp được lãnh ơn toàn xá và hầu hết các trường hợp này [được hưởng ơn toàn xá hằng ngày hoặc được hưởng ơn toàn xá vào dịp đặc biệt nào đó] đều không gắn với Phép lành Tòa Thánh, ngoại trừ các trường hợp sẽ được nói dưới đây (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Concessiones”, các số 4 và 12.1; “Normae de indulgentiis”, số 7.2 và 9). Trong dịp cử hành thánh lễ mở tay, ơn toàn xá vẫn được ban cho chính tân linh mục và cho tất cả tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ này, trước đây thì gắn với Phép lành Tòa Thánh, nhưng nay thì không còn nữa (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Concessiones”, số 27).

IV. Các trường hợp ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá
                Các linh mục vừa mới chịu chức sẽ không ban Phép lành Tông Tòa với ơn toàn xá đi kèm trong thánh lễ mở tay nữa, vì nay việc ban Phép lành Tòa Thánh hay Phép lành Tông Tòa cùng với ơn toàn xá [cho các các tín hữu sốt sắng lãnh nhận] chỉ áp dụng cho một số trường hợp sau:
1. Chính Ðức Giáo Hoàng ban phép lành “Urbi et Orbi” (cho thành phố [Rôma] và cho thế giới) trong những dịp trọng đại (chẳng hạn như dịp lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, nhân dịp đăng quang Giáo hoàng hay Năm Thánh…). Các tín hữu có thể lãnh nhận trực tiếp Phép lành Tông Tòa này (Benedictio Papalis) cùng với ơn toàn xá đi kèm tại quảng trường thánh Phêrô hoặc gián tiếp qua truyền thanh, truyền hình (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Concessiones”, số 4) 4
2. Các Giám mục chính tòa có thể ban Phép lành Tòa Thánh [với ơn toàn xá] ba lần một năm vào các dịp lễ trọng đặc biệt mà ngài chỉ định, ngay cả khi ngài chỉ dự lễ đó mà thôi. Những Giám chức khác ngang quyền với Ðức Giám mục giáo phận, dù không có chức Giám mục: từ khi nhận trách nhiệm mục vụ, cũng được ban phép lành của Ðức Thánh Cha (= Phép lành Tòa Thánh) với ơn toàn xá trong địa hạt của mình ba lần trong năm, vào các ngày lễ trọng thể mà các ngài chỉ định. Loại phép lành này được ban vào cuối thánh lễ thay thế phép lành vẫn quen làm theo những quy tắc được nêu ra trong Sách Lễ nghi Giám mục. Nhưng ngay khi làm hành vi thống hối lúc đầu lễ thì đã phải hướng về phép lành này rồi (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Normae de indulgentiis”, số 7.2; Sách Lễ nghi Giám mục, các số 1122-1126);5
3. Ðức Thượng phụ hoặc Ðức Tổng Giám mục [thuộc các Giáo hội Công giáo Ðông phương6 có thể ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá 3 lần trong năm và ban bất cứ khi nào xét thấy rằng ơn toàn xá đảm bảo cho lợi ích của các tín hữu do bởi hoàn cảnh đặc biệt hay có lý do đặc biệt. Ngài còn có thể ban ơn toàn xá và ơn tiểu xá khắp nơi trong lãnh thổ của mình, trong các nhà thờ theo nghi lễ của mình dù ở bên ngoài lãnh thổ, cũng như ban cho các tín hữu thuộc nghi lễ của ngài ở khắp nơi ((Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Normae de indulgentiis”, số 9).
4. Các linh mục có thể ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá cho bệnh nhân trong trường hợp nguy tử (in articulo mortis) như được đề ra trong Sổ bộ các Ân xá [ấn bản 1999] tại “Normae de indulgentiis” số 18.27 cũng như tại “Concessiones” số 12.18 và trong Sách Nghi thức Chăm sóc Mục vụ cho Bệnh nhân tại các số 195 và 201. Số 201 nói về Của ăn đàng ngoài thánh lễ, vốn là trường hợp bình thường cho việc ban Phép lành Tòa Thánh. Chữ đỏ cho biết rằng khi kết thúc Bí tích Giải tội hoặc nghi thức sám hối, vị linh mục có thể ban Phép lành Tòa Thánh [với ơn toàn xá] cho người nguy tử, bằng cách sử dụng một trong các công thức sau: “Vì các mầu nhiệm cực thánh trong việc cứu chuộc nhân loại, xin Thiên Chúa toàn năng tha cho con (ÔBACE) mọi hình phạt đời này và đời sau, xin Người mở cửa thiên đường và dẫn con (ÔBACE) về chốn vui vẻ muôn đời”; Hoặc công thức: “Cha (tôi) dùng quyền Tòa Thánh đã ủy cho, ban ơn toàn xá và ơn tha thứ mọi tội lỗi cho con (ÔBACE), nhân danh Cha, và Con + và Thánh Thần. Amen”;9
5. Khi Tòa Ân giải Tối cao ra Sắc lệnh cho phép ban Phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá kèm theo trong một dịp long trọng nào đó [theo thỉnh nguyện]. Chẳng hạn nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 30 năm tôn phong hiển thánh cho 117 vị Tử đạo tại Việt Nam, Tòa Ân giải Tối cao đã ra Sắc lệnh cho phép ban PHÉP LÀNH TÒA THÁNH kèm theo ơn toàn xá với các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng), cho tất cả các Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và Kitô hữu có lòng sám hối thực sự và được đức mến thúc đẩy, đã tham dự chính các thánh lễ [trong những ngày từ 19 tháng Sáu đến ngày 24 tháng Mười Một năm 2018, những ngày khai mạc và bế mạc cách long trọng]. Các Kitô hữu muốn sốt sắng lãnh nhận Phép lành Tòa Thánh, nhưng vì hoàn cảnh hữu lý, không thể tham dự các nghi lễ thánh, thì theo luật, vẫn có thể được ơn toàn xá, miễn là có ý hướng đạo đức theo dõi qua các phương tiện truyền hình hay truyền thanh, chính các nghi lễ ấy lúc đang được cử hành (Văn thư số: 224/18/1 ban hành ngày 23.3.2018).
V. Kết luận thực hành
           Hệ luận thực hành tất yếu là, từ nay, trong thánh lễ mở tay của tân linh mục:
1. Không công bố Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao về việc ban Phép lành Tòa Thánh cùng với ơn toàn xá kèm theo nữa (tức không đọc đoạn “Ðức Phaolô VI, do thánh ý Chúa quan phòng, được đặt lên làm Giáo Hoàng, sẵn lòng chấp nhận những lời thỉnh cầu, vì Ngài tỏ lòng lưu tâm của Bậc Hiền Phụ đối với các linh mục mới chịu chức, nên Ngài ban cho mọi tân linh mục, khi cử hành thánh lễ đầu tiên khá long trọng, có thế BAN PHÉP LÀNH TÒA THÁNH cùng với ƠN TOÀN XÁ đi kèm theo. Phép lành này chỉ được ban một lần mà thôi, theo công thức trong Sách Lễ nghi Rôma, và chỉ được ban ở ngoài thành Rôma. ƠN TOÀN XÁ này chi được ban cho các tín hữu đã xưng tội, rước lễ, đã hết lòng tham dự thánh lễ này, đã nhận PHÉP LÀNH TÒA THÁNH nói trên, và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng.” Thay vào đó, có thể trích đọc từ Sổ bộ các Ân xá rằng: “Ơn toàn xá được ban cho tân linh mục nhân dịp cử hành thánh lễ mở tay trước đoàn dân vào một ngày đã chọn; và ban cho các tín hữu sốt sắng tham dự thánh lễ này.” (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones [1999], “Concessiones”, số 27);
2. Tân linh mục không ban Phép lành Tòa Thánh cùng với ơn toàn xá như trước cho nên không sử dụng công thức cũ nữa (Tân linh mục: Chúa ở cùng anh chị em / Mọi người: Và ở cùng Cha - Tân linh mục: Hãy chúc tụng Danh Chúa / Mọi người: Từ bây giờ và cho đến muôn đời - Tân linh mục: Ơn phù trợ chúng ta ở nơi Danh Chúa / Mọi người: Là Ðấng Tạo Thành trời đất - Tân linh mục: Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha + và Con + và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em / Mọi người: Amen). Thay vào đó, vào lúc cuối lễ, tân linh mục có thể sử dụng bất cứ công thức chúc lành nào đã được ấn định trong Sách Lễ theo thời gian và mùa phụng vụ.10
Lm Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS
http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/ban-phep-lanh-toa-thanh-trong-thanh-le-mo-tay_a8704

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Tại sao gọi là Tuần Thương Khó?


           Chúa nhật lễ lá, bắt đầu Tuần thánh. Lịch Phụng vụ cũng ghi là Chúa nhật tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Trước đây, mùa thương khó bắt đầu hai tuần trước lễ Chúa Phục sinh, tại sao bây giờ rút còn một tuần? 
 passion-week.jpg
       Trước cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1969, thì mùa thương khó bắt đầu từ Chúa nhật thứ năm mùa chay, và như vậy kéo dài hai tuần. Mùa thương khó gây một ấn tượng khá lớn cho các tín hữu. Tất cả các tượng ảnh trong nhà thờ đều bị phủ bởi màn tím cho đến lễ Vọng Phục sinh. Nhiều nhà thờ còn căng một bức màn lớn che khuất tất cả gian thánh. Có người giải thích là Chúa Giêsu đi trốn, bởi vì dựa trên bài Phúc âm thuật lại việc Chúa lánh mình khi dân chúng mưu toan ném đá Người. Thế nhưng với cuộc canh tân sau công đồng Vaticanô II, thì lịch phụng vụ không còn nói đến mùa thương khó nữa, mà chỉ còn Mùa Chay kéo dài cho tới lễ Phục sinh. Tuần lễ trước Phục sinh không phải là tuần Thương khó, nhưng từ ngữ “tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa” chỉ còn được gắn cho hai ngày: Chúa nhật lễ lá (Dominica in Palmis de Passione Domini) và thứ sáu tuần thánh (Feria VI in passione Domini). Vào hai dịp đó, phụng vụ đọc bài Thương khó: ngày Chúa nhật thì dựa theo Phúc âm nhất lãm thay đổi tùy theo chu kỳ ABC; còn ngày thứ Sáu thì luôn luôn đọc Phúc âm theo thánh Gioan.
Tại sao cuộc cải tổ phụng vụ lại bỏ mùa Thương khó?
 
        Thực ra thì không phải là bỏ, nhưng mà muốn trở lại với truyền thống cổ xưa thôi. Từ thời xưa, các Kitô hữu dành 40 ngày để chuẩn bị mừng Lễ Chúa Phục sinh. Vì thế thời gian đó được gọi là Mùa 40 (trong tiếng La-tinh là Quadragesima), chứ không phải là mùa thương khó. Trong thời gian này, các dự tòng được chuẩn bị qua chương trình huấn giáo sâu đậm để lãnh các bí tích khai tâm. Còn những người đã được rửa tội rồi thì được mời gọi xét mình về cuộc sống đức tin, xem mình đã trung thành thế nào đối với lời cam kết. Dĩ nhiên, đây cũng là thời gian để thực hành công cuộc cải hoán, qua việc cầu nguyện, hãm mình, bác ái. Vào thời Trung cổ, khi mà con số dự tòng không còn đáng kể nữa, thì công cuộc huấn giáo cũng bớt phần quan trọng. Từ đó, người ta chuyển sang việc suy gẫm cuộc Thương khó của Chúa.

Thương khó là gì?

             Chúng ta có thể khảo sát ý nghĩa của từ này theo tiếng Hán Việt cũng như theo nguyên gốc La-tinh. “Thương” ở đây không có nghĩa là “yêu”, nhưng có nghĩa là “đau xót, đau đớn xót xa”, chẳng hạn như khi nói “thương tâm, đau thương, thảm thương, sầu thương”. Còn “khó” không phải trái nghịch với dễ; nhưng “khó” ở đây có nghĩa là “khổ”, chẳng hạn như “khốn khó, khốn khổ”. Nói tóm lại “thương khó” cũng tương tự như là “đau khổ”. Trên thực tế, nhiều bản dịch Việt ngữ dùng những từ “Tử nạn, Khổ nạn, Chịu nạn, Chịu khổ hình”. Đó là nói đến từ ngữ Hán Việt. Đến khi bước sang nguyên bản La-tinh, ta sẽ còn thấy nhiều ý nghĩa khác nữa. Từ “thương khó” dùng để dịch từ “passio” trong tiếng La-tinh (sang tiếng Pháp và tiếng Anh thì thêm chữ “n”: passion). Thế nhưng từ passio có tới ít là bốn nghĩa.

1/ Thường thì người ta giải thích rằng passio bởi động từ “patior, pati” (có nghĩa: chịu đau khổ).

2/ Một ý kiến khác hiểu tiếng passio theo nghĩa triết học, tức là “thụ động” (bị động), nhận hành động từ một chủ động khác. Như vậy “passio” đối ngược với “actio”.

3/ Một ý kiến thứ ba cho rằng passio bắt nguồn từ pathos trong tiếng Hy-lạp, và như vậy có nghĩa là cảm xúc, xúc động. Cũng theo chiều hướng đó, mà trong tâm lý học, passio thường được dịch là “đam mê, say mê, mê man”.

4/ Sau cùng, có người tán giải passio (passus) theo nghĩa là đi ngang qua, để nói đến cuộc vượt qua của Đức Giêsu: người trải qua sự khổ và cái chết để tiến vào vinh quang Phục sinh.

Trong 4 nghĩa vừa nói, nghĩa nào đúng hơn cả?

            Trong bối cảnh của phụng vụ, thì nghĩa thứ nhất sát hơn nữa: passio có nghĩa là chịu đau khổ. Nói một cách cụ thể hơn, trong buổi cử hành phụng vụ, Hội thánh đọc lại các bài trình thuật Phúc âm thuật lại cuộc “khổ nạn” của Chúa Giêsu, từ lúc dùng bữa tiệc Vượt qua với các môn đệ (hoặc là từ khi vào Vườn Cây dầu, theo thánh Gioan), rồi bị bắt, bị xử án, bị đánh đòn, vác thánh giá lên núi Calvariô, nơi chịu tử hình. Chúng ta có thể đọc trình thuật này trong Phúc âm theo thánh Marcô chương.14-15; thánh Mattêu chương 26-27; thánh Luca chương 22-23; thánh Gioan chương 18-19. Cũng nên biết, là trong tiếng La-tinh, từ “passio” cũng được áp dụng cho trình thuật kể lại cuộc tử đạo của các Kitô hữu cổ thời.

Phụng vụ chỉ tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu qua việc đọc bài Phúc âm nói về cuộc Thương khó của Chúa mà thôi hay sao?

            Không chỉ có vậy mà thôi. Lòng đạo đức của các tín hữu còn tìm những hình thức khác để tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa qua các việc đạo đức cũng như qua cuộc sống. Xét về các hình thức đạo đức, thì các sử gia thường trưng dẫn những chứng tích bắt đầu từ thế kỷ IV (khoảng năm 380) bên Thánh địa, do một thiếu nữ tên là Egeria kể lại. Vào Chúa nhật lễ Lá, các tín hữu tại Giêrusalem tụ họp ở núi Cây dầu, rồi từ đó rước lá tiến vào thành thánh. Nhưng nhất là kể từ tối thứ năm tuần thánh trở đi, các tín hữu họp nhau tại một nhà thờ tên là Eleona trên núi Cây dầu để tham dự buổi canh thức đầu tiên, từ 7 giờ tối cho đến 11 giờ. Đến nửa đêm, bắt đầu buổi canh thức thứ hai, tại một nhà thờ gần đó, và nghe đọc bài Sách thánh về cuộc hấp hối của Chúa. Đến sáng thứ 6, thì đám rước di chuyển lên núi Calvariô, để nghe đọc bài tường thuật về cuộc Thương khó và cử hành việc suy tôn Thánh Giá. Và suốt ngày thứ sáu, nhiều cuộc suy gẫm lời Chúa được tổ chức bên cạnh nhà thờ kính nhớ mộ Chúa. Có thể nói được là từ đó trở đi, các tín hữu tìm cách diễn lại cảnh thương khó của Chúa theo gương các tín hữu Giêrusalem, không những là vào ngày thứ năm thứ sáu tuần thánh, mà còn kéo dài quanh năm nữa. Một hình thức khá quen thuộc đối với các tín hữu Việt Nam là ngắm 14 chặng đường thánh giá, đi theo Chúa Giêsu từ lúc bị xử án, rồi vác thập giá lên núi Calvariô, nơi Người chịu đóng đinh, chịu chết và mai táng. Nên biết là hình thức 14 chặng như hiện thời chỉ mới thành cố định từ thế kỷ XVII, chứ trước đây nó linh động hơn, chẳng hạn có nơi tính đến 7 lần ngã xuống đất, hoặc bắt đầu từ vườn Cây dầu, rồi bị bắt, bị điệu qua toà Anna, Caipha, vv.

Ở Việt Nam còn có hình thức ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu nữa, phải Không?

                 Có nhiều hình thức để suy gẫm sự thương khó của Chúa. Một hình thức đơn giản hơn cả là suy gẫm 5 dấu thánh: hai dấu nơi bàn tay; hai dấu nơi bàn chân, và một dấu nơi cạnh sườn. Một hình thức nữa là suy gẫm 7 lời của Chúa Giêsu trên thập giá. Hình thức ngắm 15 sự thương khó của Chúa thì dựa trên một căn bản khác. Tại sao lại có 15 ngắm? Tại vì nó hoạ theo giờ kinh Phụng vụ. Trong ba ngày cuối Tuần thánh, tại các đan viện hay nhà thờ chánh toà, người ta cử hành phụng vụ giờ kinh cách long trọng. Ở chính giữa nhà thờ người ta thắp một giá đèn hình tam giác, với 15 ngọn nến. Tại sao 15 ngọn nến? Có người gỉai thích là tượng trưng cho Chúa Giêsu với 12 tông đồ và 2 môn đệ. Sự thực thì 15 ngọn nến tương đương với 9 thánh vịnh giờ kinh Đêm (nay gọi là kinh Sách) và 5 thánh vịnh giờ Kinh sáng, cộng với thánh ca Tin mừng Benedictus. Cứ sau mỗi thánh vịnh thì người ta tắt đi một ngọn đèn. Tại sao vậy? Có người giải thích là nó tượng trưng cho các tông đồ và môn đệ lần lượt rút lui, bỏ Chúa một mình. Nhưng cũng có người giải thích cách đơn giản là đời xưa khi chưa có đèn điện thì tất nhiên là phải thắp nhiều đèn để đọc sách. Tuy nhiên, trời càng lúc càng về sáng tỏ, cho nên có thể tắt bớt dần dần các ngọn nến đi. Cho dù giải thích nguồn gốc lịch sử như thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải khâm phục các vị thừa sai trước đây đã tìm cách để giáo dân tham gia vào phụng vụ Giờ kinh của Giáo hội, dĩ nhiên không phải bằng việc hát các thánh vịnh La-tinh (mà họ chẳng hiểu gì) nhưng qua việc suy gẫm các sự thương khó của Chúa.

Việc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa chỉ dừng lại ở việc suy gẫm mà thôi hay sao?

              Còn nhiều hình thức khác nữa. Một hình thức khá phổ thông bên Âu châu trước đây là diễn tuồng Thương khó, mà Đức Cha Nguyễn bá Tòng cũng đã thích ứng sang tiếng Việt. Nên biết là tuồng Thương khó không phải chỉ diễn ra trên sân khấu, nhưng còn trở thành hoạt cảnh, nhiều khi biến thành một cuộc rước kiệu. Dù là suy niệm bài thương khó dựa theo Phúc âm, dù là đi đàng Thánh giá hay ngắm các sự thương khó, hoặc tham dự tuồng Thương khó, người tín hữu muốn nhớ đến Chúa Giêsu đã chịu đau khổ vì tội chúng ta; từ đó ta muốn tỏ lòng biết ơn bằng cách thông dự vào sứ mạng cứu độ của Người. Thánh Phaolô đã viết rằng tôi muốn chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, muốn hoàn toàn sống cho Đấng đã yêu mến và hiến mạng vì ta (Gal 2,19-20). Thánh Phaolô cũng muốn lãnh nhận mọi đau khổ để góp phần vào cuộc khổ nạn của Chúa hầu giúp ích cho Hội thánh (Col 1,24). Thánh Phêrô tông đồ, trong bài thánh thi đọc vào kinh chiều Chúa nhật mùa Chay, cũng nhắc cho các tín hữu hãy coi cuộc thương khó của Chúa như một gương mẫu để dõi bước theo Người: “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1Pr 2,23). Thiết tưởng đó là ý nghĩa chính của các việc cử hành cuộc Thương khó của Chúa từ những thế kỷ đầu tiên tại Giêrusalem cho đến chặng đường thánh giá ngày nay: đó là chúng ta muốn đi theo Chúa.
 
Lm. Giuse Phan Tấn Thành
http://giaophanvinhlong.net/tai-sao-goi-la-tuan-thuong-kho.html

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

KHÁC BIỆT GIỮA CÔNG GIÁO, CHÍNH THỐNG GIÁO VÀ ANH GIÁO.

            
     
          Cả ba Nhánh Kitô Giáo Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, từ đầu, đều thuộc Đạo Thánh của Chúa Kitô gọi chung là Kitô Giáo ( Christianity ). Nhưng theo dòng thời gian, đã có những biến cố gây ra tình trạng rạn nứt hay ly giáo ( schisms ) hoặc những cải cách (reformations ) đáng tiếc xảy ra khiến Kitô Giáo bị phân chia thành 3 Nhánh chính trên đây. Ngoài ra, còn một nhánh Kitô Giáo nữa là Anh Giáo ( Anglican Communion ) do vua Henri VIII ( 1491-1547 ) của nước Anh chủ xướng năm 1534 để lập một Giáo Hội riêng cho nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh Rôma ( Đức Giáo Hoàng Clement VII ) không chấp nhận cho nhà vua ly dị để lấy vợ khác.
            Cho đến nay, các nhóm ly khai trên vẫn chưa hiệp thông được với Giáo Hội Công Giáo vì còn nhiều trở ngại chưa vượt qua được. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng giới hạn trong câu hỏi được đặt ra, tôi chỉ xin nên sau đây những dị biệt căn bản giữa ba Nhánh Kitô Gíáo lớn trên đây mà thôi.

I. Chính Thống ( orthodoxy ) khác biệt với Công Gíáo Rôma ( Roman Catholicism ) ra sao ?

          Trước hết, danh xưng Chính Thống “Orthodoxy”, theo ngữ căn (etymology) Hy Lạp “orthos doxa”, có nghĩa là “ca ngợi đúng” (right-praise), “tin tưởng đúng” (right belief). Danh xưng này được dùng trước tiên để chỉ lập trường của các Giáo Đoàn Kitô đã tham dự các Công Đồng Đại Kết (Ecumenical Councils) Nicêa I (325) Ephêsô (431) và nhất là Chalcedon (451) trong đó họ đã đồng thanh chấp thuận và đề cao những giáo lý được coi là chân chính (sound doctrines), tinh tuyền của Kitô Gíáo để chống lại những gì bị coi là tà thuyết hay lạc giáo (heresy). Do đó, trong bối cảnh này, từ ngữ “orthodoxy” được dùng để đối nghịch với từ ngữ “heresy” có nghĩa là tà thuyết hay lạc giáo.
Nhưng sau biến cố năm 1054 khi hai Giáo Hội Kitô Giáo Hy Lạp ở Constantinople ( tượng trưng cho Đông Phương ) và Giáo Hội Công Giáo Rôma ( Tây Phương ) đã xung đột và ra vạ tuyệt thông cho nhau ( anthemas = excommunications ) ngày 16 tháng 7 năm 1054 giữa Michael Cerularius, Thượng Phụ Constantinople và Đức cố Giáo Hoàng Leo IX vì có những bất đồng lớn về tín lý, thần học và quyền bính, thì danh xưng “Chính Thống” ( orthodoxy ) lại được dùng để chỉ Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople đã tách ra khỏi hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Rôma. Sau này, Giáo Hội “Chính Thống” Hy Lạp ở Constantinople đã lan ra các quốc gia trong vùng như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Albania, Estonia, Cyprus, Finland, Latvia, Lithuania, Rumania, Bulgaria, Serbia, Ukraine… Vì thế, ở mỗi quốc gia này cũng có Giáo Hội Chính Thống nhưng độc lập với nhau về mọi phương diện. Nghĩa là không có ai là người lãnh đạo chung của các Giáo Hội này, mặc dù họ có tên gọi chung là các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương ( Eastern Orthodox Churches ) tách khỏi khỏi Giáo Hội Công Giáo Rôma. ( Tây Phương )
             Tuy nhiên, hiện nay Thượng Phụ ( Patriarch ) Giáo Hội Chính Thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul được coi là Thượng Phụ Đại Kết ( Ecumenical Patriarch ) của các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương. Cách nay 5 năm Đức Thánh Cha Benedict 16 ( đã về hưu năm 2012 ) đã sang thăm Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Thổ để tỏ thiện chí muốn đối thoại, đưa đến hiệp thông giữa hai Giáo Hội anh em. Riêng Giáo Hội Chính Thống Nga, cho đến nay, vẫn chưa tỏ thiện chí muốn xích gần lại với Giáo Hội Công Giáo Rôma, vì họ cho rằng Công Giáo muốn “lôi kéo” tín đồ Chính Thống Nga vào Công Giáo sau khi chế độ CS ở Nga tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo Hội Chính Thống Nga hành Đạo. Dầu vậy, một biến cố mới xẩy ra trong năm qua ( 2016 ) là Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Nga tại Mexico, nhưng kết quả của cuộc gặp gỡ lịch sử này giữa hai vị lãnh đạo Công Giáo và Chính Thống Nga không được công bố sau đó. Nhưng đây là một dấu chỉ tích cực giữa hai Giáo Hội anh em.
           Trước khi xẩy ra cuộc ly giáo năm 1054, hai nhánh Kitô giáo lớn ở Đông và Tây phương (The Greek Church and the Holy See = Rôma) nói trên vẫn hiệp thông trọn vẹn với nhau về mọi phương diện vì cả hai Giáo Hội anh em này đều là kết quả truyền giáo ban đầu của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê. Lịch sử truyền giáo cho biết là Thánh Phêrô (Peter) đã rao giảng Tin Mừng ở vùng đất nay là lãnh địa của Giáo Hội Công Giáo Rôma, trong khi em ngài, Thánh Anrê (Andrew) sang phía Đông để rao giảng trước hết ở Hy Lạp và sau đó phần đất nay là Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Như thế, cả hai Giáo Hội Kitô Giáo Đông Phương Constantinople và Tây Phương Rôma đều có nguồn gốc Tông Đồ thuần túy (Apostolic succession).

Sau đây là những điểm gây bất đồng khiến đi đến ly giáo (schism) Đông Tây:

Về Tín Lý
       Giáo Hội Chính Thống Đông Phương – tiêu biểu ban đầu là Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople,  đã bất đồng với Giáo Hội Công Giáo Rôma về từ ngữ “Filioque” ( và Con ) thêm vào trong Kinh Tin Kính Nicêa tuyên xưng “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha, và Chúa Con mà ra”.
Giáo Hội Chính Thống Đông Phương cũng không công nhận các tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai ( Immaculate Conception ) và Lên Trời cả hồn xác ( Assumption ) mặc dù họ vẫn tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa ( Theotokos ). Sở dĩ thế, vì họ không công nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, nên đã bác bỏ mọi tín điều được các Đức Giáo Hoàng công bố với ơn bất khả ngộ ( Infallibility ) mà Công Đồng Vaticanô I ( 1870 ) đã nhìn nhận.
Chính vì họ không công nhận quyền và vai trò lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ của Đức Giáo Hoàng Rôma, nên đây là trở ngại lớn nhất cho sự hiệp nhất ( unity ) giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo cho đến nay, mặc dù hai bên đã tha vạ tuyệt thông cho nhau sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople khi đó là Athenagoras I năm 1966.
        Giáo Hội Chính Thống có đủ bảy Bí Tích hữu hiệu như Công Giáo. Tuy nhiên, với Bí Tích Rửa Tội thì họ dùng nghi thức dìm xuống nước ( immersion ) 3 lần để nhấn mạnh ý nghĩa tái sinh vào đời sống mới, trong khi Giáo Hội Công Giáo chỉ dùng nước đổ trên đầu hay trán của người được rửa tội để vừa chỉ sự tẩy sạch tội nguyên tổ và các tội cá nhân ( đối với người tân tòng ) và tái sinh vào sự sống mới, mặc lấy Chúa Kitô.
         Chính vì Giáo Hội Chính Thống có đủ các Bí Tích hữu hiệu như Công Giáo, nên Giáo Dân Công Giáo được phép tham dự Thánh Lễ và lãnh các Bí Tích Hòa Giải và Xức Dầu của Chính Thống nếu không tìm được Nhà Thờ Công Giáo hay Linh Mục Công Giáo khi cần.

Về Phụng Vụ
      Giáo Hội Chính Thống dùng bánh có men ( leavened bread ) và ngôn ngữ Hy Lạp khi cử hành Phung Vụ, trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng bánh không men (unleavened bread) và tiếng Latinh trong Phụng Vụ Thánh trước Công Đồng Vaticanô II, và nay là các ngôn ngữ của mọi tín hữu thuộc mọi nền văn hóa, chủng tộc khác nhau, trong đó có tiếng Việt Nam.

Sau hết, về mặt kỷ luật Giáo Sĩ
       Các Giáo Hội Chính Thống cho phép các Phó Tế và Linh Mục được kết hôn trừ Giám Mục, trong khi kỷ luật độc thân ( celibacy ) lại được áp dụng cho mọi cấp bậc trong hàng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Công Giáo, trừ Phó Tế Vĩnh Viễn ( permanent deacons ).
Đó là những khác biệt căn bản giữa Giáo Hội Chính Thống Đông Phương và Giáo Hội Công Giáo Rôma cho đến nay.
Tuy nhiên, dù có những khác biệt và khó khăn trên đây, Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đều rất gần nhau về nguồn gốc Tông Đồ và về nền tảng Đức Tin, Giáo Lý, Bí Tích và Kinh thánh. Vì thế, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy rằng: “Đối với các Giáo Hội Chính Thống, sự hiệp thông này sâu xa đến nỗi “chỉ còn thiếu một chút là đạt được mức đầy đủ để có thể cho phép cử hành chung phép Thánh Thể của Chúa Kitô” ( x. SGL GHCG, số 838 ).

II. Tin Lành ( Protestantism ) và những khác biệt với Công Giáo

       Đúng ra chúng ta phải gọi nhánh này là Giáo Hội Cải Cách ( Reform Church ) hoặc Giáo Hội Thệ Phản ( Protestantism ). Tin Lành chỉ là một hệ phái lớn trong nhánh Kitô Giáo này, nhưng vì người Tin Lành sang Việt Nam sớm nhất, phát triển mạnh và nhanh, nên người Việt mình quen gọi chung tất cả các hệ phái ấy bằng tên gọi là Tin Lành ( ghi chú thêm của Ephata ).
 Nói chung, là Nhánh Kitô Gíáo này đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo sau những cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther, một Linh Mục Dòng Thánh Augustinô, chủ xướng vào năm 1517 tại Đức, và lan sang Pháp với John Calvin, và Thụy Sỹ với Ulrich Zwingli và các nước Bắc Âu sau đó. Hiện nay có hàng chục ngàn giáo phái này ở Mỹ, hoạt động với nhiều danh xưng khác nhau, nhưng cùng ít nhiều có liên hệ đến nguồn gốc thệ phản ( protestantism ) nói trên. Một đặc điểm của các Giáo Phái Tin Lành là họ không có hệ thống giáo quyền ( Hierachy ) chung như Giáo Hội Công Giáo có hàng giáo phẩm tối cao từ trung ương Rôma cho đến các Giáo Hội địa phương ở mỗi quốc gia. Các nhánh Tin Lành hầu như độc lập với nhau về quyền bính, nhân sự, tài chính và phương thức hành đạo.

Ở góc độ thần học
          Những người chủ trương cải cách ( reformations ) trên đã hoàn toàn bác bỏ mọi nền tảng thần học về Bí Tích và cơ cấu tổ chức Giáo Quyền ( Hierachy ) của Giáo Hội Công Giáo. Họ chống lại vai trò trung gian của Giáo Hội trong việc hòa giải con người với Thiên Chúa qua Bí Tích Tha Tội hay Hòa Giải ( reconciliation ) vì họ không nhìn nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh ( Holy Orders ) qua đó Giám Mục, Linh Mục được truyền chức thánh và có quyền tha tội nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi ) cũng như thi hành mọi sứ vụ ( ministry) thiêng liêng khác ( Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Xức Dầu Thánh, Chứng Hôn ).
Điểm căn bản trong nền thần học của Tin Lành là con người đã bị tội tổ tông phá hủy mọi khả năng hành thiện rồi ( làm việc lành ), nên mọi nỗ lực cá nhân để được cứu rỗi đều vô ích và vô giá trị. Do đó, chỉ cần tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Kitô dựa trên Kinh Thánh là được cứu rỗi mà thôi. ( Sola fide, sola scriptura ).
Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo tin rằng con người vẫn có trách nhiệm cộng tác với ơn Chúa để được cứu rỗi. Nói khác đi, muốn được cứu độ, con người phải cậy nhờ trước hết vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, nhưng cũng phải có thiện chí cộng tác với ơn thánh để sống và thực thi những cam kết khi được rửa tội. Nếu không, Chúa không thể cứu ai được như Chúa Giêsu đã nói rõ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” ( Mt 7, 21 ).
Nói khác đi, không phải rửa tội xong, rồi cứ hát Halleluia và kêu danh Chúa Kitô là được cứu độ. Điều quan trong hơn nữa là phải sống theo đường lối của Chúa, nghĩa là thực thi những cam kết khi được rửa tội: đó là mến Chúa, yêu người và xa lánh tội lỗi. Nếu không, tất cả sẽ ra vô ích.
Anh em Tin Lành không chia sẻ quan điển thần học này, nên họ chỉ chú trọng vào việc đọc và giảng Kinh Thánh nhưng không nhấn mạnh đến phần đóng góp của con người như Chúa Giêsu đòi hỏi trên đây. Ngoài Phép Báp-têm và Kinh Thánh, họ không tin và công nhận bất cứ một Bí Tích nào khác. Điển hình là Bí Tích Hòa Giải mà các Giám Mục và Linh Mục Công Giáo được phép tha tội cho các hối nhân nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi ).
Lại nữa, vì không công nhận phép Thánh Thể, nên họ không tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu, mặc dù một số Giáo Phái Tin Lành có nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho khi họ tụ họp để nghe giảng Kinh Thánh. Nhưng đó không phải là cử hành Bí Tích Thánh Thể ( Eucharist ) như trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương. Sứ vụ quan trọng của họ chỉ là giảng Kinh Thánh vì họ chỉ tin có Kinh Thánh ( Sola Scriptura ) mà thôi.
Nhưng Kinh Thánh được cắt nghĩa theo cách hiểu riêng của họ, nên có rất nhiều mâu thuẫn hay trái ngược với cách hiểu và cắt nghĩa của Giáo Hội Công Giáo.
Thí dụ, câu Phúc Âm trong Mátthêu 22, 8-9 trong đó Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ: “Không được gọi ai dưới đất là Cha, là Thầy…” thì anh em Tin Lành hiểu Lời Chúa trong ngữ cảnh ( context ) câu trên hoàn toàn theo nghĩa đen ( literal meaning ) nên đã chỉ trích Giáo Hội Công giáo là ‘lạc giáo = heretical” vì đã cho gọi Linh Mục là “Cha” ( Father, Père, Padre ) !
Thật ra, Giáo Hội cho phép gọi như vậy, vì căn cứ vào giáo lý của Thánh Phaolô, và dựa vào giáo lý này, Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Tín lý Lumen Gentium đã dạy rằng: “Linh Mục phải chăm sóc Giáo Dân như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn” ( 1Cr 4, 15; LG số 28 ).
Một điểm khác biệt nữa trong cách đọc và hiểu Kinh Thánh của Tin Lành là câu Phúc Âm Thánh Marcô kể lại một ngày kia Chúa Giêsu đang giảng dạy cho một đám đông người thì Đức Mẹ cà các môn đệ của Chúa đến. Có người trong đám đông đã nói với Chúa rằng: “Thưa Thầy có mẹ và anh em, chị em của Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy ( Mc 3, 32 ). Anh em Tin Lành đã căn cứ vào câu này để phủ nhận niềm tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh của Công Giáo và Chính Thống, vì họ cho rằng Mẹ Maria đã sinh thêm con cái sau khi sinh Chúa Giêsu. Nghĩa là họ chỉ tin Đức Mẹ đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giêsu mà thôi. Thật ra cụm từ “anh chị em” trong ngữ cảnh ( context ) trên đây chỉ là anh chị em theo nghĩa thiêng liêng ( spiritual brotherhood, sisterhood ) và đây là cách hiểu và giải thích Kinh Thánh của Công Giáo và Chính Thống, khác với Tin Lành.
         Sau hết, về mặt quyền bình, các Giáo Phái Tin Lành đều không công nhận Đức Giáo Hoàng là Đại Diện duy nhất của Chúa Kitô trong sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Người trên trần thế. Chính vì không công nhận Đức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô nên đây là trở ngại lớn cho các nhánh Tin Lành muốn hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo.

Về Bí Tích:
         Tất cả các nhóm Tin Lành và Anh Giáo đều không có các Bí Tích quan trọng như Thêm Sức, Thánh Thể, Hòa Giải, Xức Dầu bệnh nhân và Truyền Chức Thánh vì họ không có nguồn gốc Tông Đồ ( Apostolic succession ). Và quan trọng hơn nữa, người sáng lập của họ là người thường ( Martin Luther, John Calvin, Henry XIII ) chứ không phải là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã lập Giáo Hội của Chúa trên Đá Tảng Phêrô ( Mt 16, 18-19 ) và “Giáo Hội này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với ngài điều khiển” như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã nhìn nhận ( x. LG số 8 ). Cho nên các nhánh Tin Lành và Anh Giáo đều không có chức Linh Mục và Giám Mục hữu hiệu để cử hành các Bí Tích trên.
          Đa số các nhóm Tin Lành và Anh Giáo chỉ có phép rửa ( Baptism ) mà thôi. Nhưng nếu nhóm nào không rửa tội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi ( The Trinitarian Formula ) như nhóm Bahai Hullah, thì không thành sự ( invalidly ). Do đó, khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, tín hữu Tin Lành nào không được rửa tội với nước và công thức trên thì phải được rửa tội lại như người dự tòng ( catechumens ). Nếu họ được rửa tội thành sự thì chỉ phải tuyên xưng Đức Tin khi gia nhập Công Giáo mà thôi.
          Đó là những khác biệt căn bản giữa Công Giáo và Tin Lành nói chung. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo vẫn hướng về các anh em ly khai này và mong ước đạt được sự hiệp nhất với họ qua nỗ lực Đại Kết ( Ecumenism ) mà Giáo Hội đã theo đuổi và cầu nguyện trong nhiều năm qua.
             Chúng ta tiếp tục cầu xin cho mục đích hiệp nhất này giữa những người có chung niềm tin vào Chúa Kitô nhưng đang không hiệp thông ( communion ) và hiệp nhất ( unity ) với Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội duy nhất Chúa Giêsu đã thiết lập trên nền tảng Tông Đồ Phêrô, do Đức Thánh Cha, cũng chính là Giám Mục Rôma coi sóc và lãnh đạo với sự cộng tác và vâng phục trọn vẹn của Giám Mục Đoàn ( College of Bishops ).

Lm. Phanxicô Xaviê NGÔ TÔN HUẤN

http://trungtammucvudcct.com/khac-biet-giua-cong-giao-chinh-thong-giao-va-anh-giao/
Tags: , , ,